Luật Kinh tế

1. Mục tiêu đào tạo
Chương trình đào tạo thạc sĩ Luật ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Kinh tế - Luật hướng đến những mục tiêu cơ bản sau:

Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu các chuyên gia, nhà nghiên cứu có trình độ cao, có khả năng nghiên cứu và thực hành luật có chất lượng cho các Viện nghiên cứu, các trường Đại học và Cao đẳng trong phạm vi cả nước (nhất là khu vực miền Trung và miền Nam), cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, có trình độ và tư duy quản lý, điều hành khoa học và độc lập, có kiến thức sâu rộng và kỹ năng hành nghề luật vững chắc trong các cơ quan quản lý Nhà nước, các văn phòng luật sư và công ty luật trong và ngòai nước, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế… Chương trình đào tạo thạc sĩ Luật ngành Luật Kinh tế hướng đến xây dựng đội ngũ chuyên gia khoa học có phẩm chất chính trị, đạo đức đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, trang bị kiến thức ngành về pháp luật kinh tế cho người học với các chuyên đề chuyên sâu. Các chuyên đề được xây dựng từ các học phần cơ bản của pháp luật kinh tế như pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư, pháp luật thương mại, pháp luật cạnh tranh, pháp luật về tài chính... Các chuyên đề được xây dựng từ nhu cầu nghiên cứu và thực hành trong lĩnh vực kinh tế. Do đó, nội dung đào tạo tập trung hướng dẫn người học nghiên cứu sâu về các vấn đề khoa học của pháp luật kinh tế.

Thứ ba, chương trình đào tạo hướng dẫn người học phương pháp nghiên cứu các vấn đề thuộc khoa học pháp lý nói chung và pháp luật kinh tế nói riêng. Theo đó (1) người học được hướng dẫn phương thức chuyên sâu nội dung nghiên cứu theo các chuyên đề định hướng. Các chuyên đề được xây dựng vừa đảm bảo khối kiến thức cơ bản bắt buộc, vừa đảm bảo quyền lựa chọn theo nhu cầu của người học. (2) Nội dung giảng dạy hướng dẫn người học các phương pháp nghiên cứu chuyên sâu ngành luật kinh tế. Các phương pháp nghiên cứu không chỉ bao gồm các phương pháp nghiên cứu khoa học luật mà còn là các phương pháp phân tích và xử lý những tình huống luật học cụ thể. Ngoài ra, nội dung giảng dạy đảm bảo cung cấp cho người học các kiến thức mang tính lý luận sâu của ngành đào tạo và những chuyên đề đáp ứng nhu cầu thực hành luật trên thực tế.

Thứ tư, chương trình đào tạo đảm bảo sự kết hợp đào tạo và ứng dụng các nguyên lý, các kiến thức kinh tế học vào khoa học pháp lý. Các kiến thức kinh tế học không chỉ thể hiện qua các chuyên đề giảng dạy về kinh tế mà còn thể hiện qua các chuyên đề giảng dạy ngành luật kinh tế nhưng có sự ứng dụng các nguyên lý, các vấn đề thuộc kỹ thuật phân tích của kinh tế học trong nghiên cứu và thực hành pháp luật như mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, pháp luật về hành vi hạn chế cạnh tranh...

2. Chuẩn đầu ra
2.1. Kiến thức chung
- Khả năng hệ thống các kiến thức khoa học xã hội và ứng dụng giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra.
- Khả năng hệ thống kiến thức khoa học pháp lý và ứng dụng giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong xã hội.

2.2. Kiến thức chuyên môn
- Khả năng hiểu và hệ thống các học thuyết pháp lý.
- Khả năng hiểu và hệ thống lĩnh vực của pháp luật.
- Khả năng ứng dụng kiến thức để phản biện và xây dựng pháp luật trong hoạt động kinh doanh nói chung.
- Khả năng ứng dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề đặt ra trong thương mại quốc tế.

2.3. Kỹ năng chuyên môn
- Khả năng phân tích và áp dụng pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh.
- Khả năng tham gia giải quyết các vụ tranh chấp trong thương mại quốc tế.
- Khả năng đàm phán, soạn thảo các loại hợp đồng.
- Khả năng sử dụng pháp luật liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.

2.4. Khả năng tư duy
- Đánh giá đời sống pháp lý, tư duy phản biện.
- Khả năng sử dụng chiến lược, công cụ phù hợp để trình bày, phân tích và đánh giá thông tin.
- Khả năng tiếp cận, phân tích pháp luật đa chiều.
- So sánh pháp luật.

2.5. Khả năng giao tiếp
- Giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Việt và tiếng Anh (tương đương 500 TOEIC).
- Khả năng viết hiệu quả bằng Việt ngữ và Anh ngữ (tương đương 500 TOEIC).
- Khả năng nghe với tư duy phản biện.
- Khả năng trình bày hiệu quả các vấn đề hay ý tưởng trước đám đông

2.6. Trách nhiệm cá nhân và với cộng đồng
- Nghiên cứu pháp luật trên cơ sở công lý.
- Tham gia vào các hoạt động xã hội trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
- Nhận biết và tham gia giải quyết các vấn đề đạo đức xã hội.
- Có đạo đức nghề nghiệp.

2.7. Khả năng học tập suốt đời
- Ý thức và tham gia vào các hoạt động rèn luyện sức khỏe, trí tuệ và tinh thần.
- Khả năng nghiên cứu khoa học ở cấp độ cao hơn – Tiến sĩ.
- Khả năng nắm bắt và sử dụng công nghệ mới.

3. Thời gian và hình thức đào tạo
Thời gian đào tạo là 2 năm được chia làm 4 học kỳ theo hình thức đào tạo chính quy không tập trung (còn gọi là bán thời gian, theo đó người học được dành thời gian cho công việc khác nhưng tổng thời gian dành cho học tập và nghiên cứu vẫn phải bằng với thời gian đào tạo theo hình thức toàn thời gian).

4. Loại chương trình đào tạo và số lượng tín chỉ
Trường Đại học Kinh tế-Luật áp dụng chương trình đào tạo được cấu trúc chủ yếu từ các môn học, bao gồm hai phương thức:

4.1 Chương trình môn học theo phương thức I
Chương trình môn học theo phương thức I yêu cầu các môn học bắt buộc phải có tiểu luận để học viên nghiên cứu sâu trong phạm vi môn học, không yêu cầu thực hiện luận văn.
  Tổng số tín chỉ: 47 tín chỉ, trong đó
  Khối kiến thức chung: 5 tín chỉ
  Khối kiến thức cơ sở và ngành: 42 tín chỉ

4.2. Chương trình môn học theo phương thức II
Chương trình môn học theo phương thức II yêu cầu học các môn học trong 3 học kỳ đầu và bắt buộc thực hiện luận văn thạc sĩ trong học kỳ 4.
Tổng số tín chỉ: 47 tín chỉ, trong đó: Khối kiến thức chung: 5 tín chỉ
Khối kiến thức cơ sở và ngành: 28 tín chỉ
Luận văn thạc sĩ: 14 tín chỉ.

5. Lựa chọn chương trình đào tạo
Việc tuyển sinh đầu vào sẽ không phân biệt tuyển sinh đào tạo theo loại chương trình nào.
Sau khi trúng tuyển, học viên sẽ đăng ký lựa chọn chương trình đào tạo theo nhu cầu cá nhân và hoàn tất việc đăng ký trong nữa đầu học kỳ thứ nhất.