Buổi giao lưu giữa cán bộ, giảng viên, sinh viên và Giáo sư Finn Kydland, Nobel Kinh tế 2004

Ngày 05/07/2016, tại Phòng D201, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM, Trường ĐH Kinh tế - Luật tổ chức buổi giao lưu giữa cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐHQG-HCM với Giáo sư Finn Kydland - Nobel Kinh tế 2004.

Giáo sư Finn Kydland và TS. Dương Như Hùng chủ tọa chương trình
Giáo sự Finn Kydland hiện đang trong thời gian tham dự Hội thảo được tổ chức tại Việt Nam. Ông là nhà khoa học đồng nhận giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2004 cùng Giáo sự Edward Prescott. Những nghiên cứu của ông cho lĩnh vực kinh tế vĩ mô như lạm phát, biến động trong sản xuất và việc làm, và tăng trường dài hạn là những đóng góp lớn cho khoa học. Các phân tích của họ về chính sách kinh tế và động lực đằng sau các chu kỳ kinh doanh đã không chỉ làm thay đổi các nghiên cứu về kinh tế, mà còn ảnh hưởng lớn đến thực hành chính sách kinh tế nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng. Trong hai bài đăng chung vào năm 1977 và 1982, Kydland và Prescott đã đưa ra cách tiếp cận mới đối với phân tích kinh tế vĩ mô. Một đóng góp quan trọng khác của họ là phân tích các động lực đằng sau các chu kỳ kinh doanh. Nghiên cứu này đã làm thay đổi quan điểm về nguyên nhân của các biến động trong chu kỳ kinh doanhvà là một tiền thân của “học thuyết Keynes mới về phân tích chu kỳ kinh doanh”.

Giáo sư Finn Kydland giải đáp câu hỏi của các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên ĐHQG-HCM
Tham dự chương trình Giáo sư Finn Kydland đã giải đáp các câu hỏi của các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên ĐHQG-HCM về 03 chủ đề chính:
- Con đường đến với giải thưởng Nobel của giáo sư. 
- Ảnh hưởng của công trình nghiên cứu của Giáo sư đối vớ nghiên cứu kinh tế vĩ mô và xây dựng chính sách kinh tế.
- Các hàm ý đối với xây dựng và quản lý chính sách vĩ mô của Việt Nam (lạm phát, nợ công, tự do thương mại, hội nhập kinh tế thế giới) hoặc những vấn đề mới xuất hiện như Brexit (Anh ra khỏi châu Âu).

Giáo sư Finn Kydland chụp hình lưu niệm cuối chương trình
Chương trình đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên.
P.T.