Dữ liệu – vũ khí liên ngành giúp kiểm soát Covid-19

(KTSG) – Chống dịch có thể huy động nhiều vũ khí như: bác sĩ, thiết bị y tế, lương thực, tâm lý… và trong đó, có cả vũ khí gián tiếp thầm lặng nhưng hiệu quả, đó là dữ liệu.

Thiếu dữ liệu sẽ cản trở cuộc chiến kiểm soát Covid-19 tại TPHCM


Cuộc chiến chống dịch Covid-19 này, ngoài các lực lượng tuyến đầu, thì tuyến sau, hậu phương cũng cần có lực lượng thống kê, phân tích, xây dựng kịch bản và chiến lược phản ứng tương thích. Không chỉ phục vụ trong cuộc chiến này mà còn hỗ trợ phương án hoạt động sau khi dịch được kiểm soát, thiết lập các hoạt động ở trạng thái bình thường mới – trạng thái chưa từng có trước đó. Nếu đạt được mục tiêu kiểm soát dịch đến ngày 15-9, ngay từ lúc này, cần lắm việc phác họa một bức tranh toàn cảnh kinh tế – xã hội sau dịch, để từ đó, cùng nhau lên phương án tái thiết.

Vì sao, vì sao và… vì sao?

Ngày 6-9 TPHCM có thêm 7.122 ca nhiễm mới, tổng số ca tử vong đã lên tới 10.553 người, hàng trăm trẻ em đã trở nên mồ côi cả cha lẫn mẹ, ai lo cho các con khi năm học gần kề. Còn gần ngàn người chờ chuyển viện mỗi ngày… Rồi thì, tháng 7 ghi nhận hơn 400.000 người nguy cơ thiếu ăn, phải cứu trợ khẩn cấp; đầu tháng 8 con số này tăng lên gấp đôi; giữa tháng 8 thì con số này đã lên hàng triệu… Lao động mất việc tăng theo cấp số nhân ứng với số doanh nghiệp báo dừng hoạt động, cũng đã lên con số hàng triệu.

Người lao động tại TPHCM – kẻ bỏ chạy, người ở lại sống lay lắt – hiểm họa tiềm tàng của một cuộc khủng hoảng lao động lớn với sức hủy hoại chưa từng thấy. Ảnh: N.K

Công việc đòi hỏi tôi phải đối diện liên tục với những con số rất đau lòng và áp lực. Mỗi tối, cập nhật số liệu ngày, rồi tính toán. Tôi cùng đồng nghiệp cố gắng định lượng các tổn thất hiện hữu và tiềm tàng, xác định các đối tượng chịu tổn thương theo cấp độ và từ đó xác định các giải pháp hạn chế tổn thương và hỗ trợ duy trì, hỗ trợ hồi phục tương ứng với từng giai đoạn.

Những con số không vô tình mà trái lại kéo tôi vào nhiều dòng cảm xúc, vận tâm trí tôi vào hàng loạt những suy nghĩ đau đáu, những câu hỏi ngặt nghèo, và cả những kỳ vọng trái ngược. Cuối tháng 7 tôi còn dùng những thuật ngữ mạnh như “đẩy lùi” dịch bệnh hoặc “dập dịch thành công”, qua tháng 8, các kỳ vọng của tôi tự điều chỉnh dần về mức có thể “kiểm soát” dịch bệnh và bắt đầu phác thảo bức tranh đời sống mới – trong đó, dịch bệnh vẫn hiện hữu nhưng trong tầm kiểm soát. Suốt những ngày qua, tôi vừa làm việc vừa tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đau đáu trong lòng, “Vì sao?”.

Vì sao các gói cứu trợ dân sinh đã được thiết kế nhanh và thực thi có lẽ cũng rất nhanh, nhưng vẫn là chưa đủ? Vì sao gói cứu trợ lần 1 với quy mô lên đến 886 tỉ đồng, đã được triển khai và hoàn thành ở các mức 95% kế hoạch, mà vẫn còn nhiều bàn tay đưa tay đề nghị hỗ trợ? Vì sao gói cứu trợ lần 2 với quy mô 900 tỉ đồng, nhiều hơn về số tiền, rộng hơn về đối tượng được hưởng và gần như không điều kiện giới hạn, đã được triển khai thần tốc, nhanh hơn gói 1 nhiều lần, ấy mà, hàng ngàn người dân vẫn chưa an lòng, vẫn tìm cách “tháo chạy” khỏi thành phố ngày 15-8? Vì sao lại như vậy?

Thành phố nỗ lực chăm lo từ bữa ăn, chỗ ở, thuốc men và thậm chí cả tiền mai táng cho những nạn nhân không may tử vong bởi Covid-19, mọi nỗ lực đều lấy dân làm trọng, mà dường như đâu đó vẫn là chưa thỏa?

 Là một người nghiên cứu, dành nhiều thời gian để đưa ra các khuyến nghị dựa trên dữ liệu, tôi hiểu một phần nguyên nhân khách quan, nằm ở cơ sở dữ liệu nền để thiết kế các gói hỗ trợ chống dịch chưa được đủ đầy, chưa được cập nhật kịp thời với diễn biến thực tế.

Tôi cứ mãi đau đáu với những câu hỏi đó bởi vì câu trả lời là ẩn số động, nhảy liên tục, rất khó dự báo theo thời gian. Số người rơi vào khó khăn tăng nhanh từng ngày, là minh chứng cho sự khốc liệt của dịch lần này. Hoạt động cứu trợ tăng tốc, các biện pháp kiểm soát dịch liên tục được nâng cấp độ khẩn, nhưng tác động tiêu cực của dịch bệnh, lan ra còn nhanh gấp bội.

Tôi chứng kiến ngay ở giữa Sài Gòn hoa lệ, trong khu đô thị Thảo Điền – nơi mà sự thịnh vượng xếp vào bậc nhất cả nước, một bộ phận dân cư đã rớt xuống mức sống dưới mức đủ ăn. Khi chồng tôi cùng bạn tôi trao những phần lương thực từ thiện cho họ, họ chắp đôi bàn tay, cúi lạy, tri ân mà rưng rưng. Cuộc sống có đồng ra đồng vào của tháng trước, ở tháng này đã quay ngược về với mức cơ bản để tồn tại, chỉ mong có đủ ăn và có nơi để ở.

Không chỉ như thế, những con số cho tôi thấy hàng trăm em nhỏ trở thành mồ côi; hàng trăm gia đình ly tán người ở lại thành phố, người tháo chạy hồi hương. Những con số nói với tôi về hiểm họa tiềm tàng của một cuộc khủng hoảng lao động lớn với sức hủy hoại chưa từng thấy, kéo theo khủng hoảng giáo dục, tệ nạn xã hội. Sản xuất sụt giảm, thất nghiệp gia tăng, giá cả leo thang, tất cả tiềm ẩn một cuộc suy thoái, nguy hiểm như vực nước xoáy, nhấn chìm các thành quả nhiều năm qua khó khăn ta gây dựng được, ở mọi mặt: kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, an ninh, quốc phòng.

Một cuộc chiến khác cần được tính toán ngay từ lúc này

Ẩn hiện sau Covid-19 là một cuộc chiến khác, cần được tính toán, ngăn chặn ngay từ thời điểm này.

Là một người nghiên cứu, dành nhiều thời gian để đưa ra các khuyến nghị dựa trên dữ liệu, tôi hiểu một phần nguyên nhân khách quan, nằm ở cơ sở dữ liệu nền để thiết kế các gói cứu trợ chống dịch chưa được đủ đầy, chưa được cập nhật kịp thời với diễn biến thực tế. Vì điều đó mà các gói cứu trợ vừa qua chưa đảm bảo được tính bao phủ kịp thời. Cũng chính vì thế mà ban chỉ huy cuộc chiến này khó ước lượng quy mô hành động phù hợp với thực tiễn. Thiếu số liệu nên các mục tiêu đặt ra đã chưa thành ở mức độ mong đợi.

Cần phải có được dữ liệu đầy đủ và chính xác. Có đủ dữ liệu, thì chuyên gia ở mọi lĩnh vực khác nhau, từ y tế, dịch tễ đến kinh tế hay an ninh quốc phòng, đều có thể nói tiếng nói chung bằng ngôn ngữ dữ liệu.

Từ đó, trí tuệ đa ngành sẽ tựu trung lại để cùng chỉ ra các phương pháp giải quyết có cùng mục tiêu hơn, ước liệu quy mô hành động có tính bao phủ hơn, xác định phương thức triển khai hiệu quả hơn, đưa ra các kênh hỗ trợ thiết thực hơn nữa.Từ đó, tốc độ phản ứng trước diễn biến của dịch và sự hồi phục sau dịch sẽ được cải thiện, linh hoạt nhưng bám sát kiên định theo mục tiêu kép, tăng hiệu quả kiểm soát dịch và hỗ trợ hồi phục các hoạt động kinh tế xã hội, ngăn ngừa cơn bão khác đang chực chờ ập đến sau dịch.

  Link bài viết, xem TẠI ĐÂY

  Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn