Hóc Môn chi nhầm tiền hỗ trợ: Cách nào để người dân hoàn trả tiền?

(PLO)- Việc thu hồi tiền "nhận nhầm" cần thực hiện một cách hợp lý về mặt thời gian cũng như mức bồi hoàn nhằm đảm bảo duy trì chất lượng sống của người dân, vốn đã bị bào mòn đáng kể vì đại dịch.

Như PLO đã đưa tin, tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 TP.HCM chiều 25-10, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết đã trao đổi xong với lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn về việc chi nhầm tiền hỗ trợ COVID-19 đợt ba.

Theo đó, huyện Hóc Môn cho biết hiện nay địa phương đang triển khai nghiệp vụ đối chiếu, rà soát, kêu gọi sự tự giác khai báo của những người có hành vi "nhận nhầm". Đồng thời, huyện sẽ dùng công nghệ thông tin để đối chiếu, rà soát các trường hợp khai gian để có hướng xử lý cụ thể.

Một địa phương tại TP.HCM chi tiền hỗ trợ đợt 3. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Trước đó, trả lời báo chí, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết nguyên nhân của sai sót trên từ các trường hợp kê khai thiếu trung thực trong kê khai hai nơi ở để nhận hỗ trợ hai lần, dùng CMND khai báo ở nơi này nhưng dùng CCCD khai báo ở nơi khác để phần mềm không phát hiện và nhận hỗ trợ khi vẫn đang hưởng lương.

Trước vụ việc này, nhiều bạn đọc PLO bày tỏ các thắc mắc về công tác thu hồi sẽ được diễn ra như thế nào, trách nhiệm của người dân nhận nhầm ra sao.

Giải đáp các thắc mắc của độc giả, PLO đã có buổi trao đổi cùng Ths Lưu Đức Quang, giảng viên môn Luật Hiến pháp, Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM.

Theo ThS Lưu Đức Quang, trước tiên cần ghi nhận tinh thần phục vụ nhân dân một cách kịp thời của chính quyền huyện Hóc Môn trong việc triển khai gói hỗ trợ. Tuy nhiên, xét từ góc độ quản trị công, hành vi kê khai thiếu trung thực hai nơi ở để nhận hỗ trợ hai lần, dùng CMND khai báo ở nơi này nhưng dùng CCCD khai báo ở nơi khác để phần mềm không phát hiện đã thể hiện lỗ hổng trong hoạt động quản lý dân cư qua việc cấp, đổi CMND/CCCD, cũng như thiếu công tác rà soát, kiểm tra thông tin trước khi chi trả gói hỗ trợ.

Người dân khó có thể thực hiện hành vi gian dối này nếu cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xác minh chặt chẽ hơn. Hơn nữa, hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai trên toàn quốc việc kiểm tra thông tin đối tượng được xem xét nhận tiền hỗ trợ sẽ càng đơn giản.

Nếu các cơ quan công quyền khai thác tốt các thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia để rà soát, kiểm tra trước khi tiến hành chi trả gói hỗ trợ thì việc nhầm lẫn đáng tiếc đã không xảy ra.

Ths Lưu Đức Quang cho rằng trước khi xem xét trách nhiệm pháp lý của những cá nhân kê khai không trung thực thì cần được cân nhắc việc chính quyền cần thông báo công khai, minh bạch, kịp thời hậu quả pháp lý đối với họ ngay từ đầu hay không. Đây chính là thủ tục công bằng và hợp lý của pháp luật. Nếu làm được như vậy thì người dân sẽ cảm thấy tâm phục khẩu phục và càng củng cố niềm tin đối với chính quyền của chúng ta. Bởi, rất có thể người dân kê khai sai là do lỗi vô ý, do người dân không nắm rõ quy trình cung cấp thông tin mà dẫn đến vi phạm.

Chính quyền yêu cầu người dân bồi hoàn là cần thiết nếu họ không thuộc đối tượng chi trả đợt 3. Tuy nhiên, việc này cũng cần được thực hiện một cách hợp lý về mặt thời gian cũng như mức bồi hoàn nhằm đảm bảo duy trì chất lượng sống của người dân, vốn đã bị bào mòn đáng kể thời gian qua. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch COVID-19.

  Link bài viết, xem TẠI ĐÂY

  Nguồn: Báo Pháp luật TP.HCM