Khung pháp lý cho vay ngang hàng: Kinh nghiệm thế giới có thể giúp ích cho Việt Nam

(KTSG) - Cho vay ngang hàng là một mô hình hoạt động của công nghệ tài chính (FinTech). Theo báo cáo của BIS (2020), trên phạm vi toàn cầu, giá trị giao dịch thông qua mô hình này đã tăng gấp đôi từ mức 145 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015 lên 304,5 tỉ đô la vào năm 2018. Trong đó, Trung Quốc chiếm 71% thị phần, tiếp theo là châu Mỹ (21%) và châu Âu (6%).

Các nước trên thế giới đang quản lý thế nào?

Mô hình cho vay ngang hàng có hai hình thức: (1) các tổ chức cho vay phi ngân hàng sử dụng bảng cân đối tài sản (FBS) của mình để cung cấp tín dụng cho người vay thông qua các kênh điện tử; (2) mô hình huy động vốn cộng đồng cho vay (LCF), kết hợp người cho vay và người đi vay thông qua các kênh điện tử.

Việc cung cấp vốn của các nền tảng Internet được thực hiện bằng cách thu thập thông tin từ những người đi vay; tiến hành thẩm định, sàng lọc các yêu cầu tài trợ không khả thi; thiết lập lãi vay theo các mức độ rủi ro khác nhau.

Sau đó các nền tảng sẽ thực hiện các giao dịch thanh toán cho các bên hoặc nhờ các nhà cung cấp thanh toán của bên thứ ba thực hiện. Trong đó, mô hình LCF sẽ thu phí khởi tạo món vay, dịch vụ hoặc các loại phí khác.

Ngược lại, FBS tự đưa ra quyết định cho vay vì FBS sử dụng vốn tự có hoặc nguồn vốn thông qua phát hành nợ. Các nền tảng LCF không tham gia vào việc chuyển đổi rủi ro như các nền tảng FBS.

Xét trên góc độ bảo vệ người tiêu dùng/người đầu tư, rủi ro của FBS và LCF là khác nhau. Mô hình FBS được coi là có rủi ro thấp hơn so với mô hình LCF. Nhìn chung, các mô hình kinh doanh FBS và LCF chịu các quy định và giám sát thuộc lĩnh vực ngân hàng.

 

 Do thiếu các quy định nên hoạt động này tại Việt Nam đã phát sinh những tiêu cực ở cả phía người cho vay (cho vay nặng lãi) và người đi vay (lừa đảo).

Ngoài ra, sau khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt lại các hoạt động này thì các nền tảng cho vay ngang hàng của Trung Quốc đã chuyển hoạt động sang Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra nhiều tiềm ẩn rủi ro cho Việt Nam.

 

Các quy định đối với FBS

Ở các quốc gia trên thế giới, các hoạt động của FBS phải tuân theo các quy định hiện hành đối với tổ chức cho vay phi ngân hàng và có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia.

Chẳng hạn tại Áo và Đức, các FBS phải có giấy phép ngân hàng. Ở một số quốc gia/vùng lãnh thổ khác, FBS có thể hoạt động như một tổ chức phi ngân hàng. Chẳng hạn tại Hồng Kông, FBS phải có giấy phép là người cho vay tiền.

Tương tự như vậy ở Nhật Bản, tuy nhiên FBS phải có giá trị tài sản ròng hơn 50 triệu yen. Trong khi đó, tại Ý, FBS phải có giấy phép hoạt động như các trung gian cho vay phi ngân hàng và phải phải tuân theo khuôn khổ giám sát an toàn tương đương với quy định của các ngân hàng.

Tại Mỹ, tổ chức cho vay phi ngân hàng phải tuân thủ luật tiểu bang đối với cho vay tiền tại mỗi tiểu bang mà họ cung cấp dịch vụ. Tại châu Âu, FBS hoạt động theo mô hình quỹ đầu tư và tuân thủ theo các quy định liên quan đến Chỉ thị dành cho người quản lý quỹ đầu tư thay thế (AIFMD).

Cuối cùng, tại một số quốc gia, các pháp nhân cung ứng các khoản vay không theo quy định của luật tài chính mà theo luật thương mại và luật cho vay nặng lãi. Ví dụ, ở Peru, các hoạt động cho vay của các tổ chức phi ngân hàng không bị điều tiết nhưng phải tuân theo mức trần lãi suất do ngân hàng trung ương quy định.

Chỉ có một quốc gia đưa ra quy định riêng đối với FBS là Brazil. Theo đó, các FBS hoạt động theo mô hình các công ty cấp tín dụng trực tiếp và phải có giấy phép của ngân hàng trung ương, đồng thời chịu sự giám sát và phải đáp ứng các yêu cầu về vốn tối thiểu và các quy định liên quan đến tài trợ.

Các quy định đối với LCF

Đối với LCF, khuôn khổ pháp lý gồm có hai yêu cầu: (1) giảm thiểu rủi ro trong hoạt động; và (2) liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng/nhà đầu tư và tìm cách giảm bớt vấn đề bất cân xứng thông tin liên quan đến quá trình đầu tư. Các quốc gia đều yêu cầu LCF phải được cấp phép trước khi cung cấp các dịch vụ của mình và phải đảm bảo một số vốn tối thiểu.

Khi đăng ký hoạt động, LCF phải cung cấp thông tin cụ thể liên quan đến: mô hình kinh doanh, thiết lập tổ chức của nền tảng (ai sở hữu pháp nhân và ai chịu trách nhiệm quản lý), tình trạng pháp lý, nguồn tài chính sẵn có và các chính sách, thủ tục và kiểm soát được dự kiến (đối với rủi ro quản lý hoặc quản trị). Ngoài ra, các nhà quản lý và giám đốc của nền tảng LCF phải đáp ứng các quy định về trình độ chuyên môn.

Các quốc gia đều yêu cầu các LCF phải đảm bảo tính liên tục trong hoạt động và khả năng phục hồi hoạt động. Chẳng hạn nếu nền tảng LCF ngừng hoạt động sẽ gây thiệt hại cho khách hàng, do đó, các nền tảng LCF phải cam kết đảm bảo hoạt động liên tục khi xin giấy phép (tại Mexico, UAE). Ngoài ra, các LCF được yêu cầu phải quản trị rủi ro các sự cố liên quan đến cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng/nhà đầu tư là trọng tâm trong khuôn khổ pháp lý đối với LCF ở các quốc gia. Các vấn đề này thường liên quan đến việc công bố thông tin và thẩm định chuyên sâu đối với người vay; quy định giới hạn về số tiền nhà đầu tư cá nhân có thể đầu tư; và hạn chế các nền tảng LCF tham gia vào một số hoạt động nhất định.

Các nền tảng LCF buộc phải cung cấp thông tin để nhà đầu tư nhận thức được rủi ro tiềm ẩn (Pháp) hoặc nhà đầu tư phải vượt qua bài kiểm tra kiến thức về khoản đầu tư (Singapore và châu Âu). Điều này nhằm đảm bảo rằng các nhà đầu tư có đầy đủ thông tin để quyết định liệu khoản đầu tư có phù hợp với họ hay không và liệu họ có thể chịu các rủi ro liên quan hay không.

Ngoài ra, một số quốc gia còn cung cấp thông tin các dấu hiệu về các rủi ro phổ biến như mất vốn, thiếu thanh khoản trên nền tảng LCF (Anh) và các tài liệu về rủi ro liên quan đến các hình thức bảo mật (Philippines).  Nhìn chung, các yêu cầu cung cấp thông tin phải được chuẩn hóa và bao gồm ít nhất bốn yếu tố chính: (i) các tính năng chính của khoản vay; (ii) chi tiết và đặc điểm của bên vay; (iii) cảnh báo rủi ro và bản giải thích; và (iv) thông tin bổ sung, ví dụ như về phí và chi phí liên quan.

Việt Nam thì khác biệt

Tại Việt Nam, mô hình cho vay ngang hàng bắt đầu xuất hiện từ năm 2015 và theo khảo sát của chúng tôi, hiện có khoảng 59 công ty hoạt động chính thức trong lĩnh vực này. Quy mô của các công ty cũng gia tăng, chẳng hạn nền tảng Tima từ khi đi vào hoạt động (2015) đến thời điểm tháng 4-2021 đã giải ngân tổng số tiền hơn 94.000 tỉ đồng.

Hiện tại, hoạt động cho vay tại Việt Nam là hoạt động của ngân hàng, được cấp phép và quản lý hoạt động bởi Ngân hàng Nhà nước. Hình thức hoạt động của đa phần các công ty cho vay ngang hàng tại Việt Nam theo mô hình kết hợp giữa dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện), tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính... Đây là điểm khác biệt của mô hình này ở Việt Nam so với các mô hình ở trên thế giới.

Trong báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề cập đến việc thiếu vắng khuôn khổ pháp lý đối với mô hình cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Do thiếu các quy định nên hoạt động này tại Việt Nam đã phát sinh những tiêu cực ở cả phía người cho vay (cho vay nặng lãi) và người đi vay (lừa đảo).

Ngoài ra, sau khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt lại các hoạt động này thì các nền tảng cho vay ngang hàng của Trung Quốc đã chuyển hoạt động sang Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra nhiều tiềm ẩn rủi ro cho Việt Nam. Do vậy kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới sẽ là bài học cho Việt Nam trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với cho vay ngang hàng.

  Link bài viết: https://bit.ly/3wsxJFP

  Nguồn:Thời báo Kinh tế Sài Gòn