TP HCM cắt giảm 38.000 cán bộ tổ dân phố ra sao?

Thành phố muốn gộp tổ dân phố - nhân dân vào khu phố - ấp sau gần 40 năm tồn tại, giúp giảm hơn 38.000 nhân sự ở cơ sở.

Ban Thường vụ Thành uỷ TP HCM vừa thông qua chủ trương sắp xếp cán bộ tổ dân phố, tổ nhân dân từ nay đến hết quý 1/2025. Động thái được đưa ra trong bối cảnh thành phố là địa phương duy nhất cả nước tồn tại mô hình tổ chức hai cấp dưới xã, phường, gồm khu phố - ấp và tổ dân phố - tổ nhân dân. Mô hình này có từ 37 năm trước, hiện chưa phù hợp với Nghị quyết 18, theo đó dưới xã, phường chỉ có một cấp là thôn, tổ dân phố.

Theo mô hình mới, thành phố bỏ cấp tổ dân phố, tổ nhân dân, giúp giảm từ 27.400 xuống 5.200 khu phố - ấp, tức giảm khoảng 80%. Một khu phố sẽ có ít nhất 450 hộ với bình quân 1.800 nhân khẩu, ấp có 350 hộ trở lên với 1.400 nhân khẩu. Theo quy chuẩn này, hiện TP HCM có 277 khu phố - ấp dưới chuẩn phải gộp lại, 926 trên chuẩn phải chia tách, còn 801 giữ nguyên.

 

Cấp chính quyền dưới xã, phường ở TP HCM trước và sau sắp xếpHiện tạiSau sắp xếpSố tổ chứcSố người020k40k60k80kNguồn: UBND TP HCM | VnExpress Số tổ chức Hiện tại: 27 377

Số người hoạt động cũng giảm từ hơn 64.000 người còn hơn 26.000 người, tương đương 59%. Trong số này đã có hai chức danh bổ sung cho khu phố - ấp sau khi sáp nhập là chi hội trưởng phụ nữ và bí thư chi đoàn thanh niên. Mỗi khu phố - ấp sẽ có một đội trưởng, dân quân tại chỗ; một tổ bảo vệ dân phố.

Như vậy, số lượng chức danh hưởng phụ cấp hàng tháng ở mỗi địa bàn giảm từ 13 xuống 3-5. Nhờ đó tổng kinh phí giảm từ 527 tỷ đồng xuống gần 483 tỷ đồng, tương đương 8%. Điều này giúp TP HCM tiết kiệm hơn 44 tỷ đồng mỗi năm.

UBND TP HCM đánh giá mô hình mới bước đầu sẽ lúng túng bởi số người tham gia điều hành địa bàn giảm đột ngột quá lớn, khoảng 2,5 lần so với hiện tại. Sau khi không còn tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố chỉ còn 5 người hoạt động không chuyên trách, quản lý 350-450 hộ dân, tức bình quân mỗi người quản lý 70-90 hộ. Do đó, những người này cần có khả năng sử dụng công nghệ như Zalo, Viber...

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết sau sắp xếp, ngoài kinh phí hoạt động cho các khu phố - ấp, thành phố sẽ có thêm phụ cấp hỗ trợ. "Nếu nói đủ sống thì rất khó, nên cần sự chia sẻ vì trách nhiệm cộng đồng", ông nói.

Phó bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Hồ Hải nói chủ trương này "không phải xoá bỏ, mà là tổ chức lại các tổ dân phố, tổ nhân dân". Những người đang công tác ở đây vẫn có thể làm tiếp tại khu phố, ấp sau sắp xếp.

Theo ông Hải, lợi ích của thay đổi này là tinh gọn bộ máy, nhờ đó chính sách hỗ trợ cho 5 chức danh ở khu phố - ấp sẽ tăng lên. Ban Thường vụ Thành uỷ yêu cầu UBND thành phố xây dựng đề án chi tiết, có lộ trình từng giai đoạn. Việc sắp xếp căn cứ quy định khung của Bộ Nội vụ, trên nguyên tắc xác định quy mô số hộ của khu phố - ấp phù hợp địa bàn dân cư (nông thôn, đô thị, nhà phố, chung cư).

"Ví dụ các chung cư có thể lập tổ tự quản. Đây giống như ăng-ten của khu phố", ông Hải nói. Ngoài ra, địa phương cần phối hợp với công an, quân đội để phân chia địa bàn hợp lý, đảm bảo an ninh trật tự.

Anh Huỳnh Văn Hải (phải), tổ trưởng dân phố 30, khu phố 2, phường Thạnh Xuân, quận 12, phát lương thực cho người dân khi thành phố giãn cách năm 2021. Ảnh: Lê Tuyết

Anh Huỳnh Văn Hải (phải), tổ trưởng dân phố 30, khu phố 2, phường Thạnh Xuân, quận 12, phát lương thực cho người dân khi thành phố giãn cách năm 2021. Ảnh: Lê Tuyết

Đánh giá về mô hình mới, một chủ tịch phường hơn 100.000 dân tại TP HCM băn khoăn bởi vai trò dân vận, cầu nối giữa xã, phường tới người dân của tổ dân phố, tổ nhân dân hiện rất lớn. Cán bộ cơ sở giúp xác minh nhân thân, tạm trú, hồ sơ nhà đất; thống kê dân số, nhu cầu lao động; thông báo hồ sơ, đăng ký thuế...

Quy mô địa bàn lớn nhưng chỉ có 30 cán bộ nên lãnh đạo phường cho biết tất cả lĩnh vực khi triển khai xuống phải nhờ sự hỗ trợ của tổ dân phố. Tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố có vai trò quan trọng trong hoà giải các xích mích xóm giềng mà "lên phường chưa chắc hiệu quả bằng người có uy tín nói".

Phường này hiện có 9 khu phố, 102 tổ dân phố, quy mô mỗi tổ dân phố bình quân đã 400 hộ dân. Chủ tịch phường mường tượng nếu bỏ tổ dân phố cần phải chia nhỏ các khu phố ra để quản lý vì dân số đông, thành ra "chưa chắc đã gọn". Hiện, phường duy trì lịch mỗi khu phố họp hai tuần một lần, tổ dân phố họp một tháng một lần mới cơ bản đáp ứng thông tin đến người dân.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện Chính sách và phát triển truyền thông (IPS), đồng tình chủ trương bỏ tổ dân phố, song việc sắp xếp cần thí điểm ở những địa phương chuyển đổi số tốt, sau đó nhân rộng. Tổ dân phố hoạt động như cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở để chuyển thông tin, chính sách từ trên xuống và thống kê, báo cáo các biến động dân cư ở dưới lên. Những việc này hiện đã có công cụ tốt hơn là số hóa, hệ thống báo cáo thông qua dữ liệu số thì vai trò của tổ dân phố không còn nữa.

"Công cụ số đã làm thay được chức năng của tổ trưởng dân phố thì bỏ là đúng", ông Đồng nói.

Cán bộ tổ dân phố ở phường Thạnh Xuân, quận 12, lấy thông tin gói hỗ trợ thứ 3 cho người dân, tháng 9/2021. Ảnh: Lê Tuyết

Cán bộ tổ dân phố ở phường Thạnh Xuân, quận 12, lấy thông tin gói hỗ trợ thứ 3 cho người dân, tháng 9/2021. Ảnh: Lê Tuyết

Đồng quan điểm, TS Thái Thị Tuyết Dung, Khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật TP HCM, cho biết mô hình tổ dân phố - tổ nhân dân của thành phố vốn không phù hợp với quy định của Bộ Nội vụ từ năm 2012. "Bây giờ bỏ là hơi muộn và cần phải bỏ một cấp để phù hợp với quy định chung của cả nước", bà nói.

Dù việc thay đổi một bộ máy đã vận hành gần 4 thập kỷ sẽ phải đối mặt nhiều thách thức, nhưng bà Dung cho rằng đây là động lực để TP HCM thay đổi cách thức quản lý, chuyển từ thủ công sang số hoá. Người dân cũng tăng sự chủ động trong hoạt động hành chính, thay vì phụ thuộc vào tổ trưởng như hiện nay.

Tuy vậy chuyên gia đề xuất việc phân chia khu phố không nên cào bằng mà cần phù hợp cấu trúc dân cư đô thị, không cứng nhắc 350-450 hộ dân mỗi khu phố - ấp. Ví dụ ở các khu vực nhiều chung cư thì ban quản lý để quản trị nội bộ khu (cư dân tự trả chi phí quản lý), do đó nên tăng số hộ dân trong một khu phố so với khu nhà ở riêng lẻ.

TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nói các tổ dân phố phù hợp với các địa bàn rộng, đi lại và giao tiếp khó khăn. Tổ trưởng như người đại diện chính quyền cơ sở, phổ biến và thực thi chính sách, đồng thời lắng nghe nguyện vọng người dân, tư vấn cách giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tế. Tuy nhiên, với đô thị hiện đại như TP HCM, dân cư đông, dân trí cao, giao thông và giao tiếp giữa chính quyền với người dân thuận lợi đã làm giảm vai trò của tổ trưởng dân phố, khiến mô hình này không còn phù hợp.

Theo TS Đáng, sau sắp xếp chính quyền TP HCM cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các trưởng khu phố - ấp để làm tốt cầu nối giữa chính quyền và người dân. Thành phố cần giới hạn hoạt động thực sự muốn vai trò của các trưởng khu chứ không biến lực lượng này thành nơi có thể giao bất cứ nhiệm vụ gì từ trên xuống. Các kênh giao tiếp cần hiện đại để người dân trực tiếp giải quyết với chính quyền, giảm bớt công việc của trưởng khu.

"Thành phố cần giới hạn tuổi, tránh tình trạng chỉ thu hút được người già, tạo cảm giác không quan trọng cho vị trí và công việc trưởng khu", ông Đáng nói.

Nguồn: VNEXPRESS