UEL TIÊN PHONG ÁP DỤNG CDIO TRONG XÂY DỰNG VÀ VẬN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Xây dựng và vận hành chương trình đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động đào tạo đại học. UEL không ngừng hoàn thiện chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần vào nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
Là một sáng kiến mới trong lĩnh vực giáo dục, CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate) là một phương pháp đào tạotheo quy trình từ hình thành ý tưởng (C), thiết kế ý tưởng (D), thực hiện (I) và vận hành (O). CDIO được khởi xướng bởi Đại học Kỹ thuật Massachusetts và là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế chương trình và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học.

Với mục tiêuđào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn (năng lực C-D-I-O) và có ý thức trách nhiệm với xã hội, CDIO được xây dựng mang tính “chung hóa” có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau ngoài khối ngành kỹ thuật, trong đó có khối ngành kinh tế và quản lý.
Theo cách tiếp cận CDIO, khi xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo phải tuân thủ một cách chặt chẽ các quy trình từ khâu xây dựng chuẩn đầu ra, thiết kế khung chương trình, vận hành chương trình, tổ chức giảng dạy, không gian học tập CDIO và đánh giá kết quả học tập của sinh viên cũng như toàn bộ chương trình…đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao, dễ dàng thích nghi với thực tiễn của thị trường lao động.
Tại Việt Nam, Đại Học Quốc Gia TP.HCM là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng CDIO vào thực tiễn và đã gặt hái được nhiều thành công nổi bật. UEL là trường đại học đầu tiên trong nước áp dụng cách tiếp cận CDIO để xây dựng và vận hành chương trình đào tạo trong khối ngành ngoài kỹ thuật. Sau 2 năm thực hiện đối với ngành Kinh doanh quốc tế, hiệu quả và chất lượng đào tạo nâng lên rõ rệt, phương pháp dạy và học thay đổi theo hướng tích cực, chương trình đào tạo gắn với thực tế hơn, môi trường dạy và học đã thay đổi, phương pháp đánh giá người học toàn diện hơn. Từ kết quả trên, trong năm 2015 Nhà trường đã mở rộng áp dụng phương pháp trên đối với ngành Thương mại điện tử và nhiều ngành khác trong toàn Trường trong thời gian sắp tới.

Việc áp dụng phương pháp CDIO vào xây dựng và vận hành chương trình đào tạo tại UEL sẽ đem lại cho sinh viên các lợi ích sau:
·        Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO gắn với nhu cầu của người tuyển dụng, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của Nhà trường và yêu cầu của người sử dụng lao động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội;
·        Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO đảm bảo người học phát triển toàn diện cảkiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn (năng lực C-D-I-O) và có ý thức trách nhiệm với xã hộiđể sinh viên nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc luôn thay đổi;
·        Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO yêu cầu các chương trình đào tạo phải được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn đảm bảo tính liên thông và gắn kết chặt chẽ;
·        Áp dụng CDIO là cách tiếp cận phát triển, gắn phát triển chương trình với vận hành và đánh giá hiệu quả giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học lên một tầm cao mới.