Phòng chống bệnh sốt xuất huyết và virus Zika

Hiện nay, thời tiết đang chuyển sang giao mùa, độ ẩm không khí cao và môi trường ô nhiễm tạo điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh (đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết và virus Zika), đảm bảo an toàn sức khoẻ cho toàn thể cán bộ, viên chức, sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật phổ biến đến cán bộ viên chức và sinh viên những nội dung sau:

1.Bệnh do vi-rút Zika và những dấu hiệu nhận biết


Vi-rút Zika tồn tại chủ yếu ở châu Phi và đã xuất hiện một số vùng dịch nhỏ và rải rác ở các nước châu Á. Năm 2007, thế giới ghi nhận trận đại dịch do vi-rút Zika gây ra tại đảo Yap thuộc Micronesia, một quốc gia nằm ở Thái Bình Dương với 70% dân số nhiễm vi-rút. Một số trường hợp mắc bệnh do vi-rút Zika gây ra đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này đang làm dấy lên lo ngại về khả năng bùng phát thành dịch trên phạm vi toàn cầu. 

Tại Việt Nam cũng đã có một số trường hợp ghi nhận nhiễm virus Zika. Nguyên nhân là do muỗi Aedes, loại muỗi truyền vi-rút Zika khá phổ biến tại các nước Châu Á. Bên cạnh đó, sự giao lưu du lịch, lao động, thương mại thường xuyên với lượng người xuất nhập cảnh cao làm tăng khả năng lây nhiễm vi-rút nguy hiểm này. 

Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do muỗi Aedes truyền. Ngoài ra bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Người bệnh có những biểu hiện như:

- Sốt nhẹ 37,8 - 38,5 oC, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.

- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt và suy nhược.

- Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.

- Thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày.

Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định tình hình dịch bệnh do virus Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do có sự quan ngại về mối liên quan giữa nhiễm virus Zika và các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh.

2.Phân biệt bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết, sốt siêu vi



- Cách thức lây truyền: Vi-rút Zika lây truyền cho người chủ yếu qua vết cắn của muỗi Aedes mang vi-rút. Đây cũng chính là loại muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết và sốt siêu vi. Tuy nhiên, sốt xuất huyết không lây qua tiếp xúc trực tiếp, trong khi sốt siêu vi có thể lây qua dịch tiết nước bọt, dịch nhầy ở mũi… Đặc biệt, vi-rút Zika còn có khả năng lây truyền qua đường tình dục và đường máu. Tuy nhiên, đây là những phương thức lây truyền không phổ biến.

- Đối tượng dễ mắc bệnh: Trẻ em từ 3 đến 10 tuổi là đối tượng dễ mắc sốt xuất huyết và sốt siêu vi nhất. Đối với vi-rút Zika, bất kì ai sống trong vùng có muỗi Aedes và từng ghi nhận trường hợp mắc bệnh đều có thể bị lây nhiễm.


- Triệu chứng: Các bệnh nhân mắc bệnh do vi-rút Zika, sốt xuất huyết, sốt siêu vi thường có triệu chứng tương tự nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Bệnh nhân mắc vi-rút Zika thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn, đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao hơn cũng như đau nhức cơ nhiều hơn, đặc biệt là có biểu hiện xuất huyết (xuất huyết dưới da, chảy máu mũi). Trong khi đó, nếu bị sốt siêu vi, bệnh nhân thường sốt rất cao (38-39oC, thậm chí là 40-41oC) và sốt từng cơn, nổi hạch, viêm mắt, đỏ mắt. Hiện nay, xét nghiệm máu là phương pháp duy nhất có thể xác định chính xác đó là bệnh do vi-rút Zika hay sốt xuất huyết.

- Độ nguy hiểm: Nếu sốt xuất huyết thường khá nguy hiểm, có thể gây nên biến chứng nặng dẫn đến tử vong thì sốt siêu vi và sốt do vi-rút Zika ít lo ngại hơn. Thông thường, sốt siêu vi sẽ tự khỏi trong vòng 3-7 ngày và người mắc bệnh do vi-rút Zika cũng có khả năng hồi phục hoàn toàn. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào, vi-rút Zika lại được cho là ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và có liên quan đến hội chứng não nhỏ ở thai nhi.



3.  Cách phòng tránh bệnh do virus Zika


Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

- Áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và lăng quăng:

+ Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, chống muỗi.

+ Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.

+ Loại bỏ lăng quăng: đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông... 

- Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc đi/đến/về từ vùng dịch do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong ít nhất 28 ngày để phòng lây truyền virus Zika qua đường tình dục. 

* Đối với phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai: 


Để chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai cần thực hiện một số biện pháp sau:

- Phụ nữ có thai cần áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika và khám thai định kỳ.

- Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết.


Trên đây là một số nội dung liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh do virus Zika gây ra, Nhà trường thông tin để cán bộ viên chức và sinh viên chủ động phòng ngừa.

Trân trọng./.

Thầy Cô và các em sinh viên có thể tham khảo thêm thông tin từ: