CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC
LUẬT KINH DOANH
1. Mục tiêu đào tạo
1.1 Mục tiêu chung
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo theo chuyên ngành luật kinh doanh, trên cơ sở các môn học có tính chất định hướng kiến thức chung, sinh viên sẽ nắm bắt được các kiến thức về kinh tế–xã hội và cả kiến thức về luật pháp liên quan kinh tế.
1.2 Mục tiêu cụ thể
Sinh viên sẽ nắm bắt được những quy định của Hiến pháp là cơ sở, nguyên tắc chung cho việc xây dựng các quy phạm pháp luật về kinh doanh thương mại khác. Nắm bắt được các quy định của các đạo luật cụ thể điều chỉnh trực tiếp các hoạt động kinh doanh
2. Chuẩn đầu ra
2.1 Kiến thức:
- Sinh viên sẽ nắm bắt được các kiến thức về kinh tế–xã hội là: nền kinh tế nước ta là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước. Cơ chế kinh tế thị trường là cơ chế mà trong đó các nhân tố cơ bản của đời sống kinh tế vận hành dưới sự chi phối của các quy luật thị trường, vận hành trong môi trường cạnh tranh vì mục tiêu lợi nhuận có sự điều tiết của nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường cùng tồn tại nhiều loại hình sở hữu với nhiều thành phần kinh tế khác nhau; nền kinh tế thị trường vận hành trong môi trường tự do cạnh tranh lành mạnh và động lực cơ bản chi phối là lợi nhuận; nhà nước thực hiện việc điều chỉnh kinh tế thị trường chủ yếu bằng các chính sách kinh tế và ban hành hệ thống pháp luật kinh tế . Để đảm bảo sự hài hòa giữa kinh tế và xã hội, hệ thống pháp luật kinh tế đồng thời đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh đồng thời đảm bảo lợi ích cho toàn xã hội, bảo vệ người lao động, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, không để sa vào tình trạng làm ăn bất hợp pháp, phá hoại môi trường, coi thường sức khỏe và tính mạng con người. Và chỉ có pháp luật mới đảm bảo được một cách hài hòa các lợi ích đó cho xã hội, cho nền kinh tế.
- Sinh viên sẽ nắm bắt được những đạo luật cụ thể điều chỉnh trực tiếp các hoạt động kinh doanh như Luật doanh nghiệp nhà nước; Luật doanh nghiệp; Luật hợp tác xã; Luật thương mại; Luật đầu tư; Luật phá sản ...Các đạo luật khác có quan hệ điều chỉnh gián tiếp các hoạt động kinh doanh như Luật dân sự; Luật sở hữu trí tuệ; Luật đất đai; Luật môi trường; Luật thuế; Luật lao động ...Các Nghị quyết của Quốc hội; các Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội; các văn bản dưới luật về kinh tế.
2.2 Kỹ năng:
Sinh viên chuyên ngành luật kinh doanh sẽ có được kỹ năng (i) nhận thức đầy đủ và sâu về bản chất của pháp luật về kinh doanh, (ii) tính đa dạng trong pháp luật về kinh doanh, (iii) xu hướng phát triển của pháp luật về kinh doanh và (iv) nhận biết nhu cầu, phương pháp điều chỉnh các vấn đề của pháp luật về kinh doanh. Qua đó, sau khi tốt nghiệp, với tư cách là các chuyên gia pháp lý bậc trung trong tương lai có được khả năng nhận biết, giải quyết các vấn đề phức tạp của pháp luật về kinh doanh của Việt Nam cũng như có được định hướng để tìm hiểu sâu hơn về pháp luật về kinh doanh của các nước trên thế giới. Có trình độ tiếng Anh tương đương 500 điểm TOEIC;
2.3 Thái độ:
Trên cơ sở nhận thức và kiến thức trên sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành luật kinh tế sẽ có thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp của các chủ thể kinh doanh; lợi ích của nhà nước; đồng thời đảm bảo lợi ích cho toàn xã hội, bảo vệ người lao động, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
3. Cơ hội nghề nghiệp
Sinh viên chuyên ngành luật kinh tế sau khi ra trường sẽ là các chuyên gia về pháp luật kinh doanh có thể đảm nhiệm các vị trí công việc ở các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh nói riêng; các đơn vị trực tiếp hoạt động kinh doanh của nhà nước; các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khác; các cơ quan tư pháp tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án; lực lượng công an kinh tế; các trung tâm trọng tài thương mại; các tổ chức tư vấn pháp luật về kinh doanh...
4. Thời gian đào tạo: 4 năm
5. Khối lượng kiến thức toàn khoá: 130 TC.
6. Đối tượng tuyển sinh:
Theo Điều 5 quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03 ngày 11/02/2010/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
7. Quy trình đào tạo, điều kiện tốt nghiệp
Căn cứ vào Quy chế đào tạo Đại học và Cao đẳng theo hệ thống tín chỉ Ban hành kèm theo Quyết định số 1368 /ĐHQG-ĐH&SĐH ngày 21 tháng 11 năm 2008 của Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
7.1 Quy trình đào tạo
Quy trình đào tạo được chia làm 8 học kỳ:
- Khối kiến thức giáo dục cơ bản: học kỳ 1, học kỳ 2, học kỳ 3.
- Khối kiến thức cơ sở của khối ngành: học kỳ 4.
- Khối kiến thức chuyên ngành: học kỳ 5, học kỳ 6, học kỳ 7.
- Thực tập cuối khóa, khóa luận tốt nghiệp hoặc học chuyên đề: học kỳ 8.
7.2 Điều kiện tốt nghiệp
Sinh viên được công nhận tốt nghiệp, nếu hội đủ các điều kiện sau đây:
- Được công nhận là sinh viên hệ chính quy của trường theo đúng ngành cấp bằng tốt nghiệp;
- Hoàn tất các môn học theo đúng chương trình giáo dục quy định và tích lũy đủ số tín chỉ quy định của ngành đào tạo (gồm đồ án, khóa luận tốt nghiệp, thi các môn chuyên môn thêm tương đương với số tín chỉ của đồ án, khóa luận tốt nghiệp), không có môn học nào đạt điểm dưới 5 và có ĐTBCTL không dưới 5.
- Đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo quy định của ĐHQG-HCM và của trường (trừ trường hợp các lưu học sinh nước ngoài tuân theo Quy chế Công tác người nước ngoài học tại Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 33/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 25 tháng 8 năm 1999 của Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT).
- Đạt chứng chỉ giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất.
- Tại thời điểm xét tốt nghiệp, sinh viên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị kỷ luật từ mức đình chỉ học tập.
| |