Cần truy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chậm thi hành án hành chính

(PLO)- Người đứng đầu cơ quan có nghĩa vụ thi hành án nếu thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thi hành án hành chính thì cũng cần phải gánh chịu trách nhiệm kỷ luật. 

Hiến pháp 2013 quy định tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Khi xét xử, tòa án nhân danh quyền lực nhà nước để đưa ra phán quyết về tính đúng đắn của hành vi. Cũng chính vì vậy nên bản án, quyết định của tòa án một khi có hiệu lực thì phải được bảo đảm thi hành. Thế nhưng việc thi hành án hành chính hiện nay lại quá đỗi gian nan.

Cần truy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chậm thi hành án hành chính ảnh 1

Xuất phát từ chức năng quản lý nhà nước (chấp hành - điều hành) nên các cơ quan hành chính (CQHC) là chủ thể tiếp xúc nhiều nhất với cá nhân, tổ chức. Điều rất dễ nhận thấy là một người sinh ra, trong suốt cuộc đời của mình có thể không bao giờ liên hệ với cơ quan lập pháp hay tư pháp nhưng không thể không thiết lập quan hệ với CQHC. Khi đó, như một thiên hướng tự nhiên, các tranh chấp hành chính cũng có khả năng phát sinh.

Để giải quyết những tranh chấp này, Nhà nước thiết lập nhiều phương thức khác nhau. Nếu như trước năm 1996, việc giải quyết tranh chấp hành chính chỉ được thực hiện bằng con đường khiếu nại thông qua thủ tục hành chính thì hiện nay, pháp luật đã quy định thêm phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án thông qua thủ tục tư pháp.

Theo Luật Tố tụng hành chính, bản án sơ thẩm của tòa án sẽ có hiệu lực pháp luật nếu không bị kháng cáo, kháng nghị; bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Khi bản án có hiệu lực pháp luật thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, trong ba năm 2017, 2018, 2019, tổng số bản án, quyết định của tòa án thuộc diện theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) là 1.052, trong đó chỉ có 713 bản án được UBND, chủ tịch UBND các cấp thi hành, chỉ đạo thi hành xong, đạt tỉ lệ 68%. Số liệu 10 tháng đầu năm 2020 là 693 bản án, trong đó đã thi hành xong 230 bản án, còn phải thi hành 463 bản án. Mặc dù số lượng các bản án hành chính được thi hành tăng qua các năm, song tỉ lệ bản án thi hành xong trên tổng số phải thi hành lại có chiều hướng giảm dần và đặc biệt đạt tỉ lệ thấp dưới 50% vào những năm 2018, 2019. Trong số các bản án chưa thi hành xong, có không ít bản án đã tồn đọng, kéo dài nhiều năm.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chậm THAHC được xác định là do thiếu cơ quan chuyên trách trong việc tổ chức thực hiện. Hiện nay, việc THAHC được thực hiện theo cơ chế “tự thi hành” của người phải THA. Do cơ chế “tự thi hành” nên tình trạng chây ì, phớt lờ trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, nếu cứ vịn vào lý do này để bao biện thì bao giờ vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước mới được thực thi hiệu quả, bao giờ tòa án mới trở thành một cơ quan có quyền cương tỏa hoạt động của các cơ quan hành chính trước sự lạm quyền, tùy tiện. Với cơ chế Đảng lãnh đạo như ở nước ta hiện nay cùng với vấn đề thống nhất của quyền lực nhà nước, đã đến lúc cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan phải THAHC và cấp trên trực tiếp của người đứng đầu cơ quan phải THA trong trường hợp không đôn đốc thực hiện THAHC.

Bản thân tòa án có quyền tuyên án nhưng án hành chính không thể do tòa án thi hành bởi cơ quan này không có bộ máy cưỡng chế THAHC. Cơ quan THA dân sự được giao nhiệm vụ theo dõi THAHC nhưng có lẽ đây là một nhiệm vụ khó khả thi bởi cơ quan này không có mối quan hệ về nhân sự, tổ chức với cơ quan phải THAHC. Trong khi đó, trách nhiệm của chủ thể không THAHC nếu có là loại trách nhiệm kỷ luật được thực hiện bởi người đứng đầu hoặc cấp trên trực tiếp - người có quyền bổ nhiệm hay phê chuẩn. Do đó, nếu người đứng đầu hoặc cấp trên trực tiếp của người đứng đầu thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không quyết liệt trong việc THAHC thì cho dù các quy định pháp luật có tiến bộ đến đâu cũng khó có thể trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy THAHC.

Trong bối cảnh Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã được sửa đổi, bổ sung lần gần nhất vào năm 2019, các quy định trong Nghị định 71/2016 về xử lý kỷ luật người không THAHC cũng cần được sửa đổi. Những sửa đổi này cần nhắm tới việc truy cứu trách nhiệm kỷ luật đối với cả người đứng đầu lẫn cấp trên trực tiếp của người đứng đầu cơ quan có nghĩa vụ THAHC nhưng không thi hành. Theo đó, người đứng đầu lẫn cấp trên trực tiếp của người đứng đầu cơ quan có nghĩa vụ THA nếu thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc THAHC thì cũng phải gánh chịu trách nhiệm kỷ luật. Có như vậy, hiệu quả và chất lượng THAHC mới có những triển vọng tích cực.