Đề xuất thành lập tòa án chuyên biệt về đất đai

(PLO)- Việc trao toàn quyền giải quyết tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất cho TAND bằng việc thành lập TAND đất đai là phù hợp với đề xuất thành lập tòa án chuyên biệt của TAND Tối cao.

 

LTS: Trong các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có ý kiến đề xuất thành lập tòa án chuyên trách để giải quyết các tranh chấp về đất đai. Đó là ý kiến của ThS Lưu Đức Quang, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM.

 

Để rộng đường dư luận, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của ThS Lưu Đức Quang, đồng thời mong nhận được các phân tích, phản biện của bạn đọc về vấn đề mới mẻ này.

 

Luật Đất đai năm 2013 phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho tòa án và UBND tùy theo từng trường hợp. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất sẽ do tòa án giải quyết; còn tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do tòa án hoặc do trọng tài thương mại giải quyết.

Một phiên xử theo thủ tục tố tụng dân sự ở TAND Cấp cao tại TP.HCM. Ảnh: HỮU ĐĂNG

 

Chưa phân định thẩm quyền xét xử chặt chẽ và rõ ràng

 

Có thể nói việc phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là một tiến trình nhiều trắc trở. Nếu Luật Đất đai năm 1987 và năm 1993 giao cho UBND các cấp giải quyết phần lớn tranh chấp đất đai thì Luật Đất đai năm 2013 đã mở rộng thẩm quyền cho tòa án.

 

Đến nay, dự thảo Luật Đất đai đang được sửa đổi theo hướng giao toàn bộ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về cho tòa án.

 

Tôi cho rằng việc phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa UBND với tòa án theo Luật Đất đai năm 2013 là không thực sự cần thiết, tốn kém thời gian, công sức để giải quyết nhưng có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn của đương sự.

 

Hơn nữa, việc pháp luật “ngầm” trao cho đương sự quyền lựa chọn khởi kiện theo tố tụng hành chính hoặc theo tố tụng dân sự đối với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai trái thẩm quyền của UBND càng khó đảm bảo cho các bên có thể tiếp cận tòa án để giải quyết vụ việc một cách hợp lý và bình đẳng. Tất nhiên, nó cũng không phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền xét xử chặt chẽ và rõ ràng - vốn là nền tảng trong tổ chức quyền lực tư pháp.

 

Nên thành lập TAND đất đai

 

Tôi ủng hộ phương án trao toàn quyền giải quyết tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất cho tòa án theo quy định về pháp luật tố tụng dân sự (như dự thảo - PV) và sẽ là thuyết phục nếu chúng ta giải đáp được hai băn khoăn liên quan đến vấn đề này.

 

Một là, nếu băn khoăn về sự phức tạp của tranh chấp đất đai với năng lực giải quyết loại tranh chấp này của tòa án thì thực tiễn giải quyết khiếu kiện hành chính vừa qua khiến chúng ta càng có cơ sở để lo ngại nhiều hơn năng lực giải quyết loại tranh chấp này của UBND các cấp. Theo lẽ thường, tòa án phải được xem trọng về năng lực phán xử.

 

"Đặt trong bối cảnh sửa đổi toàn diện Luật Đất đai và Luật Tổ chức TAND, việc thành lập TAND đất đai đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật."

 

Hai là, nếu băn khoăn về tố tụng nghiêm ngặt, kéo dài, tốn kém tại tòa án khiến người dân e dè thì Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án năm 2020 đã “mềm hóa” giai đoạn tiền tố tụng để các bên có thể tự nguyện thỏa thuận.

 

Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra nhiệm vụ xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp; mở rộng thẩm quyền của tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính…

 

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND năm 2014 cũng đã quy định: TAND sơ thẩm chuyên biệt được thành lập để giải quyết các vụ việc đặc thù, có yêu cầu về kiến thức chuyên môn cao.

 

Cụ thể, TAND Tối cao đề xuất thành lập TAND chuyên biệt được tổ chức theo địa hạt pháp lý nhiều tỉnh, TP tùy thuộc vào khối lượng công việc của mỗi loại vụ việc; bao gồm TAND sở hữu trí tuệ, TAND hành chính, TAND phá sản.

 

Đặt trong bối cảnh sửa đổi khá toàn diện Luật Đất đai nêu trên, chúng ta cần đồng bộ hóa quy định về tổ chức hệ thống TAND với phương án trao toàn quyền giải quyết tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất cho TAND bằng việc thành lập TAND đất đai.

 

Những sửa đổi theo hướng này mới đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như tổ chức quyền lực nhà nước một cách chặt chẽ, áp dụng pháp luật nói chung, pháp luật đất đai nói riêng có hiệu lực và đạt hiệu quả cao.

 

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai hiện hành

 

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

 

(i) Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận) hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời, giấy tờ hợp pháp về thừa kế…) và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do tòa án giải quyết.

 

(ii) Tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức là nộp đơn yêu cầu UBND cấp có thẩm quyền giải quyết hoặc khởi kiện tại tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

 

Ngoài ra, theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tại Nghị quyết 04/2017, đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

 

Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất... thì thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.

 

Nguồn: Báo Pháp Luật Online