Người bị kiện cố tình giấu địa chỉ thì Tòa án giải quyết theo thủ tục chung

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM) - Qua nghiên cứu bài viết “Giải quyết vụ án tranh chấp ly hôn khi người bị kiện cố tình giấu địa chỉ” của tác giả Đỗ Xuân Hải đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 24/01/2021, tôi cho rằng trong trường hợp này Tòa án giải quyết theo thủ tục chung, không cần đình chỉ giải quyết vụ án.

TAND TP.Hà Nội xét xử vụ án dân sự - Ảnh: VTV 24

  Đầu tiên, theo quan niệm chính thống thì hôn nhân không phải là giao dịch dân sự, mà là một quan hệ đặc biệt được xây dựng trên cơ sở tình yêu thương, tự nguyện và bình đẳng. Do đó, tôi không đồng tình với lập luận “… tại thời điểm đăng ký kết hôn, các bên đã cung cấp địa chỉ là nơi cư trú của mình cho cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận kết hôn, đây được hiểu là địa chỉ ghi trong giao dịch mà Nghị quyết đã nêu…” để áp dụng quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 5 /5 /2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.

Theo quan điểm cá nhân, trong trường hợp Tòa án thụ lý vụ án về việc yêu cầu ly hôn mà bị đơn đã bỏ đi trước thời điểm thụ lý, sẽ thuộc trường hợp quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP. Cụ thể, trong “Trường hợp không thuộc điểm a, b khoản 2 Điều này mà Tòa án đã yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng nguyên đơn không cung cấp được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp Tòa án không xác định được địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này”.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc áp dụng quy định nêu trên sẽ gây khó khăn cho người khởi kiện. Do đó, tôi đồng ý với quan điểm khi Toà án giải quyết vụ án tranh chấp ly hôn, bị đơn đã bỏ đi khỏi địa phương mà không thông báo cho người khởi kiện biết thì Tòa án giải quyết theo thủ tục chung, không cần đình chỉ giải quyết vụ án cũng như thông qua thủ tục yêu cầu của thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú và yêu cầu tuyên bố một người mất tích để đủ điều kiện giải quyết vụ án ly hôn. Cụ thể, trường hợp này có thể căn cứ vào quy định tại điểm a, hoản 1, Điều 40 BLTTDS 2015, theo đó nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong trường hợp không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn. Khi đó, nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết...”. Do vậy, trong vụ án ly hôn mà người bị khởi kiện cố tình che giấu địa chỉ thì người khởi kiện có thể yêu cầu Tòa án nơi người bị khởi kiện cư trú, làm việc cuối cùng để giải quyết. Trong trường hợp này, địa chỉ nơi cư trú cuối cùng được xác định như sau:

Trường hợp xác định được nơi cư trú cuối cùng khác với nơi cư trú của bị đơn tại thời điểm đăng ký kết hôn được ghi trong giấy chứng nhận kết hôn thì Toà án xác định địa chỉ của bị đơn là nơi cư trú cuối cùng.
Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng hoặc nơi cư trú cuối cùng của bị đơn là địa chỉ bị đơn đăng ký kết hôn được ghi trong Giấy chứng nhận kết hôn thì Toà án xác định địa chỉ của bị đơn được thể hiện trong Giấy chứng nhận kết hôn để giải quyết vụ án.

Trong cả hai trường hợp nêu trên, khi giải quyết đều không cần thông qua thủ tục giải quyết việc dân sự là yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú và yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Bởi lẽ, việc đăng ký kết hôn là một trong những sự kiện pháp lý nhằm phát sinh quan hệ hôn nhân giữa hai cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác lập, khi một trong các bên thay đổi nơi cư trú nhưng không báo với chính quyền địa phương là cơ quan quản lý hoặc với người còn lại thì cũng được xem là cố tình giấu địa chỉ, tương tự như cách hiểu tại điểm a, khoản 2, Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP. Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn riêng về vấn đề này mà chỉ có những quy định mang tính chất chung chung, nên việc áp dụng cách hiểu như trên là chưa thỏa đáng. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong thực tiễn xét xử.

Do đó, thiết nghĩ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có quy định riêng hướng dẫn đối với việc giải quyết vụ án tranh chấp ly hôn khi người bị kiện cố tình giấu địa chỉ. Cụ thể, cần bổ sung quy định theo hướng Tòa án vẫn giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không cần đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn. Bởi lẽ, nếu Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án vì không tống đạt được cho bị đơn, đồng thời hướng dẫn nguyên đơn thực hiện các làm thủ tục yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú và yêu cầu tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì sẽ gây mất thời gian, công sức, tiền bạc của người khởi kiện. Do vậy, việc bổ sung quy định hướng dẫn như trên không những góp phần đảm bảo cho việc xét xử đúng pháp luật, thống nhất mà còn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả liên quan đến việc giải quyết vụ án tranh chấp ly hôn khi người bị khởi kiện cố tình giấu địa chỉ, rất mong nhận được trao đổi từ những đọc giả có quan tâm.

                                                                                                                       Link bài viết: https://bit.ly/3qSxqRq
                                                                                                                      Nguồn: Tạp chí Tòa án Nhân dân điện tử