Quan ngại về khí thải… nông nghiệp

(KTSG) – Lần giở những báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) từ giữa năm 2021 đến nay, điều khiến không ít người bất ngờ chính là những quan ngại về một nền nông nghiệp không xanh. Tất nhiên, giảm khí thải “bẩn” là niềm kỳ vọng lớn cho sản xuất nông nghiệp trong vài thập kỷ tới.

Nông nghiệp thải gì?


Tương tự như các khu vực sản xuất khác, xin được lấy khí nhà kính như một tiêu chí chính để nói về lượng khí độc trong nông nghiệp. Lẽ thường, khi nghĩ về nông nghiệp, dễ để chúng ta hình dung về một lá phổi xanh. Nhưng điều đó không đồng nghĩa nông nghiệp sẽ chắc chắn tạo ra “zero” khí độc. Điển hình, đồng thời với hấp thụ, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng không ngừng phát thải CO2, đặc biệt là hoạt động chăn nuôi.

Trong chùm khí nhà kính, khí mêtan (CH4) có hàm lượng phát thải lớn và cũng không loại trừ trong sản xuất nông nghiệp. Mêtan trong nông nghiệp hình thành từ quá trình phân hủy kỵ khí ở vùng đồng ruộng, ao hồ, đầm lầy… và đặc biệt là từ chất thải chăn nuôi hay ngay từ chính dạ dày của động vật nhai lại. Đáng chú ý là theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) vào năm 2017, mêtan từ hoạt động chăn nuôi chiếm 14,5% lượng khí nhà kính và 30% trong tổng lượng khí thải mê tan toàn cầu(1).

Đốt trong sản xuất nông nghiệp cũng là tác nhân phát thải chính lượng khí cười (nitrous oxide – N2O). Thực chất, thay đổi việc sử dụng đất là một trong những mối quan ngại về chuỗi tác nhân AFOLU (nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất) đối với khí nhà kính. Trong đó, thay vì hấp thụ CO2, đốt và phá rừng vừa làm mất nguồn cân bằng khí quyển vừa tiếp tục gia tăng tỷ lệ khí cười. Một nghiên cứu công bố trên Nature năm 2020 được FAO dẫn lại cho thấy, Đông Á vẫn là khu vực đứng đầu trong phát thải khí N2O (34%); tiếp theo là châu Phi (18%), Nam Á (18%), Nam Mỹ (13%) và Bắc Mỹ (6%)(2).

Rõ ràng, ngoài những quan tâm về nông nghiệp an toàn hay việc sử dụng quá đà các chất hóa học độc hại, phát thải khí nhà kính cũng là tác nhân để nông nghiệp bớt xanh.



Tín hiệu lạc quan

Không phủ nhận rằng, trước áp lực lớn về gia tăng dân số và nhu cầu, hoạt động sản xuất nông nghiệp luôn được tăng cường. May mắn thay, bằng sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế lẫn chính sách cụ thể của các quốc gia, mức tăng lượng phát thải khí nhà kính nông nghiệp đã bắt đầu có chiều hướng cải thiện. Trong một báo cáo mới được công bố(3), OECD và FAO cho biết, trong giai đoạn 2018-2020, tỷ trọng lượng khí nhà kính phát thải trực tiếp từ nông nghiệp chiếm khoảng 12%. Tuy nhiên, nếu tính lượng phát thải gián tiếp từ những thay đổi trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp, mức tỷ lệ này sẽ dao động từ 12-21%.

Với những điều kiện và chính sách như hiện thời (giả định không đổi), mức tăng khí thải nhà kính từ nông nghiệp đến năm 2030 dừng lại ở con số khoảng 4%. Trong đó, chăn nuôi vẫn là tác nhân chính, chiếm khoảng 80% lượng phát thải nông nghiệp trong vòng mười năm tới. Các nền kinh tế có mức thu nhập thấp và trung bình vẫn có nguồn phát thải trực tiếp lớn do có sự gia tăng đầu ra. Thậm chí, vùng châu Phi cận Sahara được ước lượng có lượng phát thải trực tiếp chiếm khoảng 62% trong tổng mức gia tăng phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp toàn cầu.

Lạc quan hơn, các tính toán đều dự báo rằng mức tăng khí carbon sẽ giảm dù lượng khí thải nông nghiệp vẫn tăng trong một thập kỷ tới. Quá trình gia tăng sản xuất nông nghiệp ở tất cả các khu vực đều được kỳ vọng là sẽ vượt trội so với mức tăng phát thải với hai lý do chính: cải thiện năng suất và sụt giảm tỷ phần chăn nuôi động vật nhai lại. Khá ấn tượng là mức tăng khí thải nhà kính từ nông nghiệp châu Âu và cả Trung Á được dự báo chỉ khoảng 1% trong lúc tỷ lệ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp được ước lượng khoảng 8% trong vòng mười năm tới.

Nỗ lực không ngừng

Những nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính, kể cả trong nông nghiệp, vẫn luôn được thúc đẩy như một cách vọng tưởng đến Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực kể từ năm năm trước. Áp dụng quy mô lớn chính sách cắt giảm khí thải, ứng dụng công nghệ và hành động là các giải pháp được nói đến ở nhiều nơi, không riêng gì các nước lớn (G20).

Ngoài thuế và các nghĩa vụ khác đối với chủ thể phát thải, hệ thống thương mại phát thải (emissions trading systems – ETS) được thiết lập có thể được xem là một trong những cơ chế quan trọng nhằm theo đuổi mục tiêu xanh. Đáng chú ý là ngoài trung tâm ETS lớn của châu Âu được hình thành từ hơn mười năm trước, Canada, Trung Quốc, Đức và Nam Phi cũng vừa giới thiệu hệ thống thương mại phát thải trong năm nay.

Với cơ chế giao dịch của ETS, người phát thải phải trả tiền để mua quyền phát thải. Theo logic, bên bán quyền có thể là bên sở hữu nguồn sinh khí thân thiện, như chủ rừng hay trang trại dư nguồn khí oxy… Nhưng về nguyên tắc, chính phủ có thể bán quyền và thu tiền như một khoản thuế để từ đó tạo nguồn xử lý ô nhiễm; hỗ trợ, giảm thuế, cho vay nợ đối với một số ngành như năng lượng tái tạo, xe hay tàu điện… và đặc biệt là tái đầu tư vùng sinh quyển cân bằng.

Theo đánh giá chung của OECD, giá bán quyền phát thải hiện nay còn khá thấp và vì vậy chỉ có thể bao phủ khoảng 49% lượng phát thải của năm 2021 dù đã có sự cải thiện nhất định so với vài năm trước (37% vào năm 2018). Đặc biệt, theo Bộ phận chính sách thuế và dữ liệu OECD, mức giá thương mại khí phát thải ở giữa các khu vực hiện nay không đồng đều. Đơn cử, mặc dù đã tăng gấp đôi mức độ bao phủ lên 64%, giá một tấn phát thải CO2 trong sản xuất điện hiện là 6,36 euro trong khi đó mức giá phát thải tương ứng ở lĩnh vực giao thông lên đến 8,8 euro.

Đương nhiên, khi các hoạt động sản xuất có thể tăng mạnh trước nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, những tác động lên môi trường được dự báo sẽ mạnh mẽ hơn. Các mục tiêu về phát triển xanh và bền vững vì vậy đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn từ phía các quốc gia. Hy vọng rằng, ở bình diện rộng hơn, Chương trình hành động quốc tế về khí hậu (International Programme for Action on Climate – IPAC) được OECD ra mắt giữa năm 2021 đủ sức giám sát và đánh giá các hành động có hiệu quả trong việc thực hiện các cam kết và chính sách về một thế giới không CO2 trong tương lai.

———-

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM.
(1) FAO, Livestock solutions for climate change (2017), tr. 3.
(2) Tian, H., Xu, R., Canadell, J.G. et al. A comprehensive quantification of global nitrous oxide sources and sinks. Nature (2020), tr. 11.
(3) OECD-FAO, Agricultural Outlook 2021-2030 (2021).

          Link bài viết, xem TẠI ĐÂY

  Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn