Quyền sáng chế: Từ Trips, Doha tới cơn mơ vaccin Sars-CoV-2

(KTSG) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa mở lời đề nghị gỡ bỏ bảo hộ quyền sáng chế đối với các loại vaccin ngừa Covid-19 thì Mỹ đã ngay lập tức lên tiếng ủng hộ. Tuy nhiên, ý kiến từ phía Mỹ và các nước cũng đã phải nhắc đến tên một tổ chức khác - Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vì đây là cánh cửa tiếp theo cần phải mở ra cho một phương án đã từng gây tranh cãi trong nhiều năm.

Một TRIPS dung hòa cho dược phẩm

Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc tên WTO không phải để chứng tỏ sự thay đổi cách nhìn của Mỹ về vị thế và vai trò của thiết chế thương mại này. Vì cho dù cựu Tổng thống Donald Trump trước đó có phủ nhận hay không, thể chế thương mại toàn cầu dưới sự điều phối của WTO vẫn có chỗ đứng khó phủ nhận của nó.

Điều đáng nói là, ngay từ khi được chính thức thiết lập từ năm 1995, Hiệp định các khía cạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ (TRIPS) đã từng được xem là một trong ba thành trì chính của WTO, bên cạnh hai trụ cột còn lại là các hiệp định về thuế quan đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Tiếp cận quan trọng của TRIPS chính là việc tạo dựng chính sách bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ chặt chẽ. Nhưng một khi thành viên của WTO bao gồm cả các nước đang phát triển và kém phát triển thì chính sách tuân thủ quy chế bản quyền đã phải được dung hòa, đặc biệt là với những loại sáng chế trong các lĩnh vực đặc thù, gắn liền với sức khỏe  cộng đồng và các lợi ích công cộng.

Trên thực tế, những tranh cãi không có hồi kết về lựa chọn bảo hộ tuyệt đối quyền độc quyền hay tháo bỏ và nới lỏng quyền lợi này của chủ sở hữu sáng chế đã có từ hàng chục năm trước. Buộc chủ sở hữu tài sản trí tuệ “dâng hiến” hoàn toàn thành quả của mình là điều không thể, nên lâu dần buộc họ phải chấp nhận hy sinh một phần lợi ích vì lợi ích chung (public interest) đã là một lựa chọn khả dĩ, cho dù sự chấp nhận đó nhiều khi vẫn là một lựa chọn miễn cưỡng đối với họ.

Điển hình cho các cơ chế dung hòa này là việc đặt ra biểu thức tính phí sử dụng sáng chế hợp lý hay thậm chí là yêu cầu về cấp phép (li-xăng) không tự nguyện (buộc cấp phép) đối với các chủ sở hữu sáng chế.

TRIPS không phải là câu chuyện ngoại lệ, và cấp phép không tự nguyện đối với dược phẩm được nhắc đến trong TRIPS chính là một trong số những điển hình như vậy. Nói một cách dễ hiểu, với cơ chế này, một quốc gia sẽ có thể (được quyền, và không bị xem là vi phạm cam kết trước WTO) cho phép một công ty được sản xuất dược phẩm khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu đối với sáng chế về dược phẩm đó.

Tuy nhiên, để có thể áp dụng chính sách này, nhà sản xuất dược phẩm của một nước phải thỏa mãn những điều kiện nhất định. Đơn cử, họ phải có đầy đủ bằng chứng để chứng tỏ nỗ lực của mình trong việc tiếp cận sáng chế và quy trình sản xuất dược phẩm, hay chí ít là họ cũng sẽ sẵn lòng trả một mức phí hợp lý khi sử dụng bằng sáng chế dược phẩm đó. Tất cả những điều này chính là cơ chế bảo đảm quyền còn sót lại cho chủ sở hữu đối với tài sản trí tuệ.

Với cơ chế quân bình lợi ích “miễn cưỡng”, quy định nguyên thủy trong TRIPS chỉ cho phép việc sử dụng sáng chế cưỡng bức đó cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ dược phẩm trong nước. Dược phẩm được sản xuất qua cơ chế này không thể đem đi xuất khẩu. Hay nói cách khác, một quốc gia không thể nhập khẩu dược phẩm từ một nhà sản xuất không được cấp phép sử dụng sáng chế theo con đường... bình thường. Điều này là một trở ngại lớn đối với các nước kém phát triển, vì bản thân các quốc gia đó thường không có năng lực sản xuất.

Giằng co Doha có thêm chút quả ngọt

Trở lại thời điểm Hiệp định chung về thuế quan và thương mại năm 1947 (GATT 1947) được hoàn thiện và phát triển thành GATT 1994 cùng với sự ra đời của WTO, có thể nói, đây là thời điểm mà cả thế giới đặt niềm tin rất lớn vào viễn cảnh thương mại toàn cầu với thể chế thương mại được đánh giá là có nhiều ưu trội hơn so với trước.

Nhưng điều này không có nghĩa, quy chế thương mại mà WTO có được sau vòng đàm phán Urugoay đã thật sự hoàn chỉnh, đáp ứng cho tiến trình làm cho thương mại thế giới “ngày càng tự do hơn”. Nhiều vấn đề thương mại mới thuộc thế hệ thứ hai tiếp tục đặt ra những thách thức cho WTO.

Đó là lý do vì sao WTO cần và đã phải mở ra cuộc đàm phán mới, vòng đàm phán Doha, sau ba cuộc thương thảo xác định vấn đề tại Singapore năm 1996, Geneva năm 1998 và Seattle (Washington) năm 1999. Chính thức khởi động từ năm 2001, và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2005, nhưng sau nhiều lần gia hạn, đến nay vòng đàm phán này đã đi vào bế tắc.

Trong nhiều vấn đề trọng yếu được đưa ra bàn thảo, mở cửa thị trường nông nghiệp, vấn đề môi trường và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được xem là ba trụ cột xương xẩu của vòng đàm phán. Điều đáng quan tâm hơn là WTO trên đà chiến thắng đã đặt ra mục tiêu khá cam go khi đòi hỏi cuộc đàm phán phải đạt được sự đồng thuận “cả gói” cho tất cả các vấn đề (single undertaking) ngay cả khi có ý kiến cho rằng giải quyết các vấn đề cùng lúc tự thân nó đã cho thấy sự quá tải đối với một WTO đương thời.

Kết quả, như những gì chúng ta vừa nói, chỉ cần một vấn đề chưa được đồng thuận thì “cả gói Doha” coi như đổ sông đổ bể. Những vướng mắc trong việc bảo vệ quyền sáng chế đối với dược phẩm trước nhu cầu chống chọi các nạn dịch của các nước nghèo là một minh chứng cho sự đổ vỡ đó.

Thực tế, ở thời điểm diễn ra vòng đàm phán Doha, cục diện kinh tế thế giới đã ít nhiều biến chuyển. Lực lượng các nước đang phát triển đã có thể hòa điệu với các nền kinh tế mới nổi trong một “phe” và trở thành lực lượng đối trọng với nhóm nước phát triển. Những yêu cầu của nước lớn về mở cửa thị trường nông sản, vì vậy, cũng không thể dễ dàng được chấp nhận nếu như ở phía ngược lại những kiểm soát về tuân thủ và bảo đảm quyền đối với sáng chế vẫn còn khắt khe.

Kết quả là, tuy không có được một chiến thắng cả gói cho vòng đàm phán, nhưng chính Tuyên bố Doha 2001 về Sức khỏe  cộng đồng ngay từ điểm xuất phát (và được đại hội đồng nhất trí sau đó) đã mở ra một phần cơ hội tiếp cận với dược phẩm cho các nước kém phát triển (least developed countries - LDC). Chính bản tuyên bố này đã trở thành chất xúc tác cho những thay đổi trong tiếp cận về nhập khẩu song song đối với dược phẩm.

Nhưng, không phải tất cả các nước thành viên WTO đều sẵn lòng chấp nhận cho phép các quốc gia không có năng lực sản xuất (dược phẩm) được quyền nhập khẩu thuốc được sản xuất từ li-xăng không tự nguyện. Ôn hòa hơn, một số nước khác chỉ chấp nhận cho những trường hợp “khẩn cấp,” và để có thể... xuất khẩu đến các thị trường đó, một số quốc gia đã sửa luật để mở đường.

Đáng mừng là, tất cả những điều này đã trở thành... chuyện cũ. Từ năm 2017 Nghị định thư sửa đổi TRIPS đã xóa bỏ giới hạn sản xuất và sử dụng tại thị trường nội địa đối với dược phẩm qua con đường li-xăng bắt buộc. Việc xuất khẩu thuốc generic (thuốc sản xuất không cần li-xăng) đã chính thức được các quốc gia thành viên ghi nhận, trong đó có Việt Nam, sau hơn một thập kỷ vòng đàm phán Doha khép lại.

Cơn mơ mới cho vaccin SARS-CoV-2

Thực tế, trong suốt thời gian diễn ra vòng đàm phán Doha, thế giới cũng ngổn ngang trăm mối vì phải đối diện với virus HIV. Tuyên bố về sức khỏe  cộng đồng 2001 ở thời điểm đó vì vậy có giá trị ít nhiều trong việc cổ vũ thế giới chung tay đồng lòng chống lại dịch AIDS.

Thế giới hiện tại cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự, thậm chí khốc liệt hơn, mất mát hơn và sự công phá của các chủng virus SARS-CoV-2 mau lẹ và ghê gớm hơn. Trước tốc độ lan nhanh của đại dịch Covid-19 và con số tử vong tăng nhanh mỗi ngày, từ hơn một năm trước, chính phủ các nước và các hãng dược phẩm khắp nơi đã tốc lực vào cuộc nghiên cứu, sản xuất vaccin.

Đương nhiên, tiền và công sức bỏ ra thì cần phải được thu lại. Nhưng quan trọng hơn hết là động lực sáng tạo và ham muốn nghiên cứu cần phải tiếp tục được nuôi dưỡng. Bảo hộ quyền sáng chế tồn tại vì lý do đó. TRIPS và Tuyên bố Doha 2001 hay Nghị định thư sửa đổi TRIPS 2017 đã là sự hy sinh quá lớn đối với các hãng dược phẩm bỏ công sức nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Việc thả cửa, cho sử dụng miễn phí sáng chế vaccin vì vậy không chỉ chấm dứt sự tranh cãi giữa bảo hộ hay không bảo hộ quyền sở hữu. Đó có thể là sự kết liễu cho các sáng tạo mới hay sự nồng nhiệt dấn thân của các công ty trong việc tạo ra các sáng chế và sản phẩm mới.

Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, khi toàn Ấn Độ vừa gồng mình đương đầu với dịch Covid-19 từ một chủng virus mới, thì ít hôm sau chủng này đã kịp xuất hiện ở các nơi khác. Sự biến dạng của con virus này còn khôn lường hơn cả các dạng virus cúm thường khác. Mà với cúm thường, vaccin ngừa bệnh đã phải chủng lại hàng năm. Điều đó có nghĩa rằng, nghiên cứu vaccin SARS-CoV-2 chưa thể dừng lại.

Tiếp cận và sản xuất vaccin tự do, không cần cấp phép của chủ sở hữu là một ước vọng đẹp. Nhưng với những người “vẽ hoa, nặn bánh,” từ bỏ luôn chút quyền còn sót lại lại là một cơn ác mộng. Chuyện huyễn hoặc như vậy chắc rồi cũng chỉ là giấc mơ thôi?

  Link bài viết: https://bit.ly/3oHBYuL

  Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn