Chương trình tập huấn “Mục tiêu, phương pháp luận và các kỹ năng về bản án nữ quyền”

     Ngày 22-23/4/2022, Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) và tổ chức Rosa-Luxemburg Stiftung Đông Nam Á đã tổ chức chương trình tập huấn “Mục tiêu, phương pháp luận và các kỹ năng về bản án nữ quyền”. 

 

     Tập huấn là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Giới thiệu Lý thuyết Pháp luật Nữ quyền tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM” do Trường Đại học Kinh tế - Luật và Quỹ Rosa-Luxemburg Đông Nam Á phối hợp thực hiện. Tiếp nối sự thành công của năm 2021, trong năm 2022, dự án sẽ tiếp tục tập trung nhằm đạt được mục tiêu tăng cường công lý xã hội liên quan đến vấn đề giới. Dự án được kỳ vọng sẽ kiến tạo những bước đi đột phá bằng cách áp dụng học thuyết pháp lý nữ quyền có chiều sâu. Chính vì vậy, chương trình tập huấn đã được tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy lý thuyết pháp lý nữ quyền theo một hướng tiếp cận thực tiễn thông qua phân tích và bình luận bản án, đồng thời giúp các học giả và nhà nghiên cứu luật học hiểu rõ về mục tiêu, phương pháp luận và các kỹ năng cần thiết để ứng dụng lý thuyết nữ quyền thông qua hoạt động áp dụng pháp luật.

 

 

     Tập huấn có sự tham gia của các diễn giả hàng đầu về lĩnh vực này như GS. Rosemary Hunter từ Đại học Luật Kent, Vương quốc Anh, Ông Jörg Schultz - Trưởng Ban Châu Á, Trung tâm Đối thoại và Hợp tác Quốc tế trực thuộc Quỹ Rosa Luxemburg, ông Ngô Thế Tiến - nguyên thẩm phán TAND TP.HCM cũng như các phiên thảo luận từ TS. Trịnh Thục Hiền, TS. Nguyễn Thị Kim Chung, TS. Đoàn Thị Phương Diệp, Thạc sĩ Nguyễn Đình Đức theo các chủ đề chuyên sâu liên quan đến bản án nữ quyền. 

 

     Phát biểu khai mạc chương trình, Tiến sĩ Đào Gia Phúc, Viện trưởng Viện pháp Luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế Luật, phát biểu rằng tại Việt Nam, bình luận bản án chỉ chiếm một số lượng nhỏ trong các công bố học thuật, đồng thời tương tự như các quốc gia trong hệ thống luật Châu Âu lục địa khác, việc tìm hiểu và phân tích bản án thường tương đối ngắn và không chú ý đến các lập luận và tranh luận chi tiết. Do đó, việc tiếp thu học thuyết về án lệ trong bối cảnh Việt Nam là cơ hội để cải thiện phong cách viết bản án, xét trên phương diện tư duy và tranh luận, ngay cả trong cách đưa vào bản án các cơ sở lý thuyết như lồng ghép lý thuyết pháp lý nữ quyền vào các quyết định tư pháp. Bên cạnh đó, ý tưởng về bản án nữ quyền trong dự án này được lấy cảm hứng từ các công trình của Giáo sư Rosemary Hunter. Bà đã làm việc với những dự án tương tự tại Anh, Úc và Hoa Kỳ dưới tư cách là biên tập, tác giả, người hướng dẫn và cố vấn. Vì vậy, Trường Đại học Kinh tế - Luật rất vinh dự được tham gia và hợp tác với Quỹ Rosa-Luxemburg Đông Nam Á trong việc thực hiện dự án trên.

 

 

 

     Trong bài phát biểu khai mạc, ông Philip Degenhardt, Giám đốc vùng Đông Nam Á Quỹ Rosa-Luxemburg tại Hà Nội, khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế Luật và Quỹ Rosa-Luxemburg khu vực Đông Nam Á. Quỹ Rosa-Luxemburg tại Đông Nam Á có Văn phòng tại Hà Nội từ năm 2009 luôn hỗ trợ quá trình chuyển đổi và phát triển tại các quốc gia theo hướng xã hội công bằng, phát triển bền vững và tham gia toàn diện của người dân. Chương trình tập huấn là một bước rất quan trọng của dự án nhằm đạt được các mục tiêu tăng cường công lý xã hội liên quan đến các vấn đề giới. Về lâu dài, ông tin rằng dự án sẽ góp phần thu hút sự quan tâm và nâng cao ý thức về lý thuyết pháp lý nữ quyền đến các cơ sở giáo dục và các đối tượng khác tại Việt Nam. Cuối cùng, ông Philip Degenhardt gửi lời chúc mừng đến Trường Đại học Kinh tế Luật khi tổ chức chương trình tập huấn này.  

 

     Trong tình hình mới, tập huấn được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tuyến – trực tiếp, với sự góp mặt của Giáo sư Rosemary Hunter - Đại học Kent, Vương quốc Anh. Giáo sư bắt đầu sư nghiệp học tập ở Úc trước khi chuyển đến Vương Quốc Anh vào năm 2006. Lĩnh vực nghiên cứu của giáo sư  là lý thuyết pháp luật nữ quyền và xã hội học xây dựng pháp luật, cụ thể tập trung vào luật gia đình và bạo lực gia đình. Trong chương trình tập huấn, giáo sư đã chia sẻ các kiến thức cốt lõi về lý thuyết nữ quyền, cách áp dụng lý thuyết nữ quyền vào phân tích bản án và kinh nghiệm của mình về thực hiện dự án Bản án Nữ quyền tại nhiều nước trên thế giới. 

 

     Buổi tập huấn đã thu hút được sự quan tâm và trao đổi từ GS Rosemary Hunter cùng các giảng viên, nhà nghiên cứu, và sinh viên của trường Đại học Kinh tế - Luật, các trường đại học khác trên cả nước và những người quan tâm lĩnh vực nữ quyền nói chung. Trong hai ngày tập huấn, các đại biểu tham dự tập huấn đã cùng học hỏi từ nội dung hướng dẫn của GS Hunter và phần trình bày của các diễn giả. Ngoài ra, các vị đại biểu cũng đã có những chia sẻ đầy tính chuyên môn và đa chiều. Đây là bước khởi đầu nhằm hỗ trợ và thu hút các chuyên gia, người quan tâm tham gia dự án biên soạn cuốn sách Bản án nữ quyền. Trường Đại học Kinh tế - Luật hy vọng tiếp tục sẽ có những hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với QuỹRosa Luxemburg trong nghiên cứu và đào tạo, thực hiện về pháp luật nữ quyền trong thời gian tới. 

 

 

Thực hiện: Phòng Quan hệ đối ngoại