Quy định xét thi đua khen thưởng của ĐHQG-HCM như thế nào? Khi nào đề tài nghiên cứu, bài báo khoa học được công nhận là một sáng kiến? Hay kỷ luật có những mức độ nào, khi nào VC-NLĐ bị kỷ luật?... Tất cả được chia sẻ, trao đổi tại Chương trình Phổ biến pháp luật ngành giáo dục năm 2025, diễn ra vào sáng 14/5.
Chương trình thu hút sự quan tâm, tham dự đông đảo của hơn 50 VC-NLĐ của Trường
Bên cạnh những thông tin về vấn đề khen thưởng của ĐHQG-HCM nói riêng, theo Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, Nghị định số 98/2023/NĐ-CP nói chung, ThS Huỳnh Thị Hải Quyên - Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ ĐHQG-HCM có những giới thiệu, hướng dẫn rõ hơn về cách từng VC-NLĐ và UEL xét các danh hiệu.
Theo đó, các cá nhân có thời gian tuyển dụng từ đủ 06 tháng trở lên; các khoa, phòng, ban, tổ bộ môn có thời gian thành lập từ 12 tháng trở lên đủ điều kiện xét thi đua khen thưởng. Có nhiều danh hiệu, nhiều nội dung liên quan đến thi đua khen thưởng, tùy thời điểm triển khai, bộ phận phụ trách sẽ có những hướng phù hợp.

ThS Hà Quang Đông - đại diện Ban tổ chức tặng quà cảm ơn ThS Quyên đã tham gia chia sẻ chuyên đề
Riêng với vấn đề công nhận sáng kiến, ThS Quyên giải thích rõ “sáng kiến là giải pháp có tính mới về kỹ thuật, quản lý, tác nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực đã được áp dụng tại cơ sở, có khả năng nhân rộng và được cấp có thẩm quyền công nhận". Vậy một quyển giáo trình, đề tài nghiên cứu khoa học, bài báo công bố quốc tế… có được xét là sáng kiến?
“Có, với điều kiện tác giả hoặc nhóm đề tài (tối đa 3 người) phải chuyển nội dung của giáo trình, đề tài nghiên cứu thành sáng kiến, theo mẫu khai báo sáng kiến đúng quy định. Nếu đề tài, giáo trình thực hiện bằng tiếng Anh cần được dịch sang tiếng Việt” - ThS Quyên chia sẻ.
Hiện có hai đợt nộp hồ sơ sáng kiến đến Bộ GD&ĐT xét cấp Bộ, cấp toàn quốc: đợt 1 trước 31/8 hằng năm; đợt 2 trước 20/11 hằng năm.
Ngoài các nội dung khen thưởng, TS Cao Vũ Minh - Trưởng bộ môn Luật Hành chính - Nhà nước, Khoa Luật UEL còn chia sẻ nhiều thông tin về quy định kỷ luật của VC-NLĐ. Có 4 hình thức kỷ luật với 4 mức độ tương ứng: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi với mức độ lần lượt là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Một số trường hợp kỷ luật thực tế cũng được nêu ra và trao đổi, tạo không khí sôi nổi cho chương trình.
TS Vũ Minh chia sẻ, phân tích các trường hợp thực tế về xử lý kỷ luật, giúp nội dung chia sẻ gần gũi, thu hút hơn
Nhìn chung, chương trình Phổ biến pháp luật ngành giáo dục Trường Đại học Kinh tế - Luật năm 2025 đã cung cấp những thông tin cần thiết giúp VC-NLĐ của Trường hiểu rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của bản thân, đồng thời củng cố niềm tin vào sự minh bạch, công bằng trong môi trường làm việc.

Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông