PHÁT TRIỂN QUAN HỆ HỢP TÁC NGHIÊN CỨU
GIỮA TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT VỚI CÁC TRƯỜNG ĐH Ở
HONG KONG VÀ THẨM QUYẾN
Từ ngày 25 đến 29 tháng 3 năm 2017, Đoàn công tác Trường Đại học Kinh tế - Luật do PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng làm trưởng đoàn cùng 8 thành viên đã có chuyến làm việc với Trường Đại học Chinese of Hong Kong và Trường Đại học Shenzhen – Thẩm Quyến, Trung Quốc trong khuôn khổ khảo sát thực tế thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá các mô hình kinh tế đặc thù ở Việt Nam và khả năng áp dụng mô hình Charter City”. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Đại học Quốc gia TP.HCM do PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng làm chủ nhiệm. Đề tài nhằm nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát triển các khu kinh tế tại Việt Nam hiện nay và đề xuất những giải pháp phù hợp cho sự phát triển các mô hình kinh tế đặc thù trong thời gian tới.

Hình: Tọa đàm tại Chinese University of Hong Kong

Hình: Đại diện hai trường Đại học Kinh tế - Luật và Đại học Chinese of Hong Kong tặng quà lưu niệm
Chinese University of Hong Kong là một trong những trường đại học lớn tại Hong Kong. Trường có 15.901 sinh viên đại học, 13.866 sinh viên sau đại học và hơn 4.000 sinh viên quốc tế. Chinese University of Hong Kong hiện xếp hạng thứ 44 trên thế giới và xếp hạng 8 tại châu Á. Trường đặc biệt mạnh về nghiên cứu và cũng là trường đại học duy nhất tại Hong Kong có 4 giáo sư đoạt giải Nobel. Tại trường Chinese University of Hong Kong, đoàn công tác đã có chương trình tọa đàm với các giáo sư đang nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương. Chương trình tọa đàm xoay quanh các vấn đề về sự phát triển của đặc khu hành chính Hong Kong và các bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam. Bên cạnh đó, hai phía cũng nhất trí về khả năng hợp tác và thực hiện các dự án nghiên cứu trong tương lai.

Hình: Tọa đàm tại Trường Đại học Shenzhen (Thẩm Quyến) – Trung Quốc
Trường Đại học Shenzhen là trường đại học công lập đa ngành ở Trung Quốc với 27 khoa, hiện đang giảng dạy 86 chương trình đại học, hơn 100 chương trình thạc sĩ và 9 chương trình tiến sĩ. Lĩnh vực nghiên cứu của Đại học Shenzhen bao gồm từ triết học, văn học, kinh tế, quản lý, luật, giáo dục, khoa học và kỹ thuật, y học, nghệ thuật tự do và lịch sử,... Tại Trường Đại học Shenzhen, đoàn công tác Trường Đại học Kinh tế - Luật tiếp tục có chương trình tọa đàm thứ hai về sự phát triển của các đặc khu kinh tế tại Trung Quốc để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Tiếp đoàn công tác là các giáo sư thuộc Trung tâm nghiên cứu các đặc khu kinh tế của trường Đại học Shenzhen.
Kết quả thảo luận sau hai buổi tọa đàm với trường Đại học học Chinese of Hong Kong và trường Đại học Shenzhen về vấn đề xây dựng các đặc khu kinh tế tại Trung Quốc và Hong Kong, nhóm nghiên cứu đã có được những thông tin và tư liệu quan trọng phục vụ cho đề tài “Đánh giá các mô hình kinh tế đặc thù ở Việt Nam và khả năng áp dụng mô hình Charter City”.


Hình: Tham quan thực tế tại hai trường
Bên cạnh hai buổi tọa đàm nhằm phục vụ cho đề tài nghiên cứu khoa học, đoàn công tác trường ĐH Kinh tế - Luật cũng đã có các chương trình tham quan thực tế và thảo luận về cơ hội tăng cường quan hệ hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu và trao đổi sinh viên tại hai trường Đại học Chinese of Hong Kong và Đại học Shenzhen. Hy vọng rằng, sau chuyến công tác này, quan hệ hợp tác quốc tế giữa Trường Đại học Kinh tế - Luật với các trường ĐH ở Hong Kong, Thẩm Quyến sẽ được xây dựng và phát triển./.
ThS Nguyễn Văn Nên,
Khoa Kinh tế Đối ngoại