Sinh viên đi học trở lại gặp những khó khăn gì?

Sau gần nửa năm ở nhà học trực tuyến vì dịch Covid-19, sinh viên một số trường đại học chuẩn bị trở lại giảng đường. Tuy nhiên, không ít sinh viên gặp phải những khó khăn “hậu giãn cách”.

 

Lo lắng về tài chính, nhà trọ, thi cử…

 

Phan Nhựt Quang, sinh viên (SV) lớp HC43.3, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết thời gian qua mình đã về nhà ở An Giang để tránh dịch. Trước đó, Quang trọ tại P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Quang chia sẻ: “Em rất mong chờ được đi học trở lại để có thể tương tác trực tiếp với giảng viên cũng như bạn bè. Tuy nhiên thời gian quay lại TP này sẽ có nhiều trở ngại đối với đa số SV tụi em. Bình thường việc tìm được một nhà trọ phù hợp với điều kiện tài chính và không quá xa trường đã rất vất vả. Sắp tới đi học trở lại, nhu cầu của SV đi thuê trọ cũng rất cao. Sau nửa năm dịch bệnh, kinh tế gia đình em cũng bị ảnh hưởng. Vì thế em nghĩ để kiếm được một phòng trọ phù hợp sẽ là một khó khăn lớn đối với em”.

 

Sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trở lại trường làm thực tập

sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách

 

  Nguyễn Duy Kiên, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng lo lắng về việc tìm nhà trọ ở khu vực giữa TP.Thủ Đức với Q.Tân Bình để thuận tiện cho việc đi học lẫn đi thực tập ở 2 nơi cách nhau khá xa này. “Nhà trọ sau dịch thì không thiếu nhưng em nghĩ do thời điểm sắp tới SV đi học trở lại nhiều, nhu cầu thuê tăng cao nên có lẽ phải mất vài buổi mới tìm được nơi ở phù hợp”, Kiên cho hay.


Trong khi đó, Bùi Việt Hoàng và Nguyễn Trần Quốc Nam, cùng là SV năm cuối Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, lo ngại khó khăn về việc dồn môn sau giãn cách. “Hiện em đang học trực tuyến các môn học kỳ 1 nhưng còn một số môn của học kỳ trước chưa thi. Vì thế, khi đi học trở lại sẽ có rất nhiều áp lực vì trong khoảng thời gian tới sẽ phải vừa học vừa thi rất nhiều môn”, Việt Hoàng chia sẻ. Với Quốc Nam, học kỳ này sẽ phải gánh thêm áp lực thi 6 - 7 môn của học kỳ trước.


Mặc dù biết rằng việc học sẽ rất căng thẳng, nhưng Hoàng nghĩ mình vẫn sẽ đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống, phụ giúp ba mẹ. Còn Nam sẽ tiếp tục làm bán thời gian công việc thiết kế quảng cáo cho các mặt hàng qua kênh Facebook để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.

 

Trường hỗ trợ như thế nào ?

 

Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhìn nhận: “SV đi học lại sau giãn cách sẽ gặp phải một số khó khăn như tài chính của gia đình bị ảnh hưởng, có một số SV chưa được tiêm vắc xin đầy đủ, chỗ trọ phù hợp cũng không dễ dàng tìm kiếm. Đặc biệt, SV sẽ phải tập thích nghi sau khi đã quen học tập trực tuyến tại nhà. Chưa kể một số nội dung của học kỳ trước vẫn chưa hoàn thành, có liên quan đến các nội dung thực hành, thực tập nên khi đi học lại các em sẽ phải vất vả hơn”.

 

Theo thạc sĩ Cường, về vấn đề tài chính, khi SV còn nợ học phí hoặc chưa đóng học phí theo thời gian quy định, nhà trường sẽ cho gia hạn và tìm các nguồn học bổng hỗ trợ. “Trường cũng sẽ phối hợp với địa phương trong việc tìm nhà trọ cho SV, vận động chủ nhà trọ giảm tiền trọ. Các em cũng cần chủ động liên hệ với ký túc xá, chủ nhà trọ trước khi vào học, hoặc thực hiện kết nối thông qua các câu lạc bộ, đội, nhóm của trường để được hỗ trợ”, ông Cường thông tin.

 

Sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM làm thủ tục vay vốn học tập năm 2020

 

  Thạc sĩ Võ Văn Trọng, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM cho biết SV của trường khi trở lại học tập sẽ được đảm bảo bố trí chỗ ở tại ký túc xá và sẽ hỗ trợ chi phí nội trú toàn năm học cho các trường hợp khó khăn đặc biệt về tài chính.


“Ngoài việc giảm 10% học phí cho toàn bộ SV, gia hạn học phí cho gần 650 em, thì đối với những em gặp khó khăn vì dịch Covid-19, trường cũng đã rà soát danh sách trên cơ sở thông tin SV gửi về và đã thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí trực tiếp cho các em theo nhiều đối tượng và mức miễn giảm khác nhau. Đồng thời, thông tin rộng rãi đến các em về các chương trình vay ưu đãi 0% lãi suất để học tập”, thạc sĩ Trọng thông tin thêm.


Đoàn thanh niên và Hội SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thời gian này cũng đã liên hệ với các nhà trọ xung quanh trường, thương lượng giảm giá để giới thiệu cho SV. Tiến sĩ Lê Đình Vũ, Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho hay: “Trường có chính sách hỗ trợ các em như giảm học phí, gia hạn đóng học phí, hỗ trợ chỗ ở tại ký túc xá, tìm nguồn cung nhà trọ... để giúp các em vượt qua khó khăn khi đi học trở lại”.


Về việc thích nghi trở lại sau gần 6 tháng đang quen với việc học trực tuyến, thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng SV năm nhất sẽ gặp nhiều trở ngại hơn. Vì thế, trường liên tục tổ chức các chương trình tư vấn tâm lý giúp SV thích nghi với cuộc sống học tập và sinh hoạt sau dịch Covid-19.

  Link bài viết, xem  TẠI ĐÂY

  Nguồn: Báo Thanh niên