Thỏa thuận Paris và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững đã nhấn mạnh những tác động tiêu cực mà biến đổi khí hậu có thể gây ra cho xã hội, cũng như yêu cầu cấp bách về việc cắt giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả của tất cả các quốc gia trên thế giới. Thêm vào đó, sự hợp tác này cũng hết sức cần thiết để thực thi các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, cụ thể là tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các quốc gia đang phát triển và các khu vực dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Do vậy, các cam kết về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây không còn giới hạn ở các quốc gia phát triển có mức phát thải cao mà bao gồm cả những quốc gia đang phát triển, vốn dễ bị tổn thương trước các tác động của hiện tượng này. Điển hình như Việt Nam, một trong mười quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP )năm 2021 và năm 2022 đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ. Cùng với việc tham gia các cam kết khác (Giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030, Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; Liên minh hành động thích ứng toàn cầu). Những cam kết này minh chứng cho nỗ lực rất lớn của Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời cũng đặt ra các thách thức trong việc lựa chọn và thực thi chính sách pháp luật phù hợp trong bối cảnh thiếu kinh nghiệm cũng như nguồn tài chính cần thiết.
Nhằm tổ chức diễn đàn đối thoại khoa học cởi mở về các chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh Việt Nam có những cam kết quốc tế mạnh mẽ; ngày 01/12/2023, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM cùng Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật (Đại học Huế) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Environmental Protection and Climate Change Policies and Law 2023: International and National Legislation Reaching Net-Zero Emissions - the Perspective of Developing Countries” (EPCCPL 2023) .
EPCCPL 2023 có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nổi bật như:
- GS. Alan R. Palmiter (William T. Wilson, III, Trưởng Khoa Luật Kinh doanh, Trường Luật, Đại học Wake Forest, Hoa Kỳ)
- GS. Yuko Nishitani (Phó Chủ tịch Học viện Luật Quốc tế the Hague, Đại học Kyoto, Nhật Bản)
- GS. Zhang Hui (Trường Đại học Trung Chính - Tây Nam, Trung Quốc)
- Cùng lãnh đạo, giảng viên, nhà khoa học đến từ 03 đơn vị đồng tổ chức và diễn giả khác đến từ các quốc gia trên thế giới (Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan,…). Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học, luật sư, cùng các tổ chức, cá nhân và cơ quan thông tin truyền thông
Ban tổ chức Hội thảo trân trọng kính mời các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên, cá nhân quan tâm đăng ký tham dự. Thông tin chi tiết:
- Thời gian: 8g00-17g00, ngày 01 tháng 12 năm 2023
- Địa điểm tổ chức: Trường Đại học Kinh tế - Luật (669, Quốc lộ 1, Khu phố 3, Phường Linh Xuân, TP.Thủ Đức, TP.HCM)
- Link đăng ký: https://link.uel.edu.vn/V9hFAN
- Thông tin liên hệ:
+ Email: iicl.events@uel.edu.vn
+ Điện thoại (028) 37244 514 (Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh).
Ban tổ chức EPCCPL 2023