Hội thảo “Đánh giá thực trạng tổ chức và phương thức vận hành của chính quyền TP.HCM” nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp thành phố do PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoà - Trưởng Bộ môn Quản lý công chủ nhiệm, thực hiện cùng với nhóm giảng viên của Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL).

Hội thảo diễn ra vào sáng 26/4/2025 tại UEL với sự tham gia của lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM, lãnh đạo TP. Thủ Đức, ban chủ nhiệm đề tài cùng đông đảo chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều trường đại học, học viện tại TP.HCM và TP. Hà Nội
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng UEL chia sẻ: “Cải cách bộ máy hành chính nhà nước là một trong những nội dung trọng tâm trong cải cách hành chính qua các giai đoạn ở Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, vấn đề cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước càng trở nên quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hiệu năng hoạt động.
Từ góc độ của một cơ sở giáo dục đại học, UEL chủ động thực hiện các nghiên cứu về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành gắn với đặc thù của TP.HCM để cung cấp những luận cứ khoa học và đề xuất các giải pháp hoàn thiện phương thức vận hành chính quyền thành phố trong giai đoạn tới”.
Hội thảo có 5 tham luận chính từ các nhà nghiên cứu và nhà quản lý thực tiễn, xoay quanh các vấn đề như cách tổ chức và phương thức hoạt động của thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai khi tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp; kiểm soát quyền lực đối với cơ quan hành chính trong bối cảnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị; tổ chức bộ máy và những vấn đề đặt ra trong phương thức vận hành chính quyền đô thị tại TP. HCM.

PGS.TS Nguyễn Xuân Tế trình bày tham luận "TP.HCM vững bước xây dựng và phát triển trong kỷ nguyên mới" với nhiều chia sẻ tích cực trong giai đoạn tới
“Việc tinh gọn bộ máy hành chính cấp xã (phường) trên địa bàn TP.HCM là một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Nó không chỉ giúp cải thiện hiệu quả công việc của cán bộ công chức, nâng cao chất lượng dịch vụ công mà còn tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng các yêu cầu quản lý hành chính trong một môi trường đô thị hiện đại và thông minh” - PGS.TS Nguyễn Xuân Tế - Tổng biên tập Tạp chí Văn Lang chia sẻ tại Hội thảo.
Đồng thời, ông Tế cũng chỉ ra 5 yếu tố tích cực của việc tinh gọn bộ máy hành chính cấp xã, bao gồm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hành chính và phục vụ người dân; tiết kiệm ngân sách nhà nước; tăng tính minh bạch và giảm tham nhũng; phù hợp với xu hướng phát triển đô thị hiện đại; góp phần tăng cường năng lực và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức.
Để thích ứng tốt với bối cảnh mới, với mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM, ThS Nguyễn Sỹ Long - Cựu sinh viên UEL, hiện đang công tác tại Sở Nội vụ TP.HCM cho rằng có nhiều giải pháp, từ việc hoàn thiện khung pháp lý; đẩy mạnh vấn đề phân cấp, uỷ quyền; thiết lập cơ chế giám sát và phản biện hiệu quả tại cấp xã, phường; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý hành chính; đến việc nâng cao năng lực, kỹ năng đội ngũ cán bộ cơ sở.

Cựu sinh viên UEL, đang làm việc tại Sở Nội vụ TP.HCM chia sẻ thực tiễn về tổ chức bộ máy và những vấn đề đặt ra trong phương thức vận hành chính quyền đô thị tại TP. HCM
“Để đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị, cần nâng cao năng lực cán bộ bằng việc xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp đối với công chức cấp quận, phường, tập trung vào kỹ năng quản lý đô thị thông minh, kỹ năng thao tác trên môi trường số và xử lý các tình huống phát sinh đa ngành. Đồng thời, tiếp tục triển khai và hoàn thiện Đề án vị trí việc làm giai đoạn 2023 - 2026 theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ” - ThS Long nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM đánh giá cao các nội dung được trình bày tại Hội thảo cũng như kỳ vọng vào đề tài nghiên cứu. “Qua từng giai đoạn thực hiện, đề tài này đã gặp nhiều khó khăn khách quan, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay về việc sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện đòi hỏi ban chủ nhiệm đề tài linh hoạt sửa đổi, nghiên cứu để thích nghi với bối cảnh mới” - Bà Thắm nói.
Bà Nguyễn Hồng Điệp - Phó chủ tịch HĐND TP. Thủ Đức đồng quan điểm và nói thêm: Cần thêm dữ liệu và thời gian để nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài, đưa ra những giải pháp hiệu quả, đặc biệt là khi áp dụng và vận hành chính quyền 2 cấp.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM chia sẻ nhiều vấn đề về công tác sáp nhập tại TP.HCM
Từ kết quả trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thực hiện và hoàn thiện đề tài khoa học cấp thành phố với chủ đề “Bộ máy chính quyền đô thị và phương thức vận hành theo các đặc trưng của TP.HCM” nhằm cung cấp những luận cứ quan trọng cho việc đề xuất các giải pháp hoàn thiện bộ máy và phương thức vận hành chính quyền thành phố trong giai đoạn tới.
Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:

PGS.TS Lê Vũ Nam và TS Trần Nghị - Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo. Đồng thời, TS Trần Nghị cũng đánh giá cao các tham luận và nội dung chia sẻ, trao đổi tại Hội thảo

Hội thảo còn có sự tham gia của TS Nguyễn Thanh Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM. TS Hòa đã cập nhật nhiều thông tin về quá trình chuyển số của trung tâm trong bối cảnh mới.Theo đó, trung tâm đang ráo riết chuẩn bị hạ tầng cho việc vận hành chính quyền 2 cấp. "Khi có danh sách của các xã, phường mới, Trung tâm chuyển đổi số sẽ thực hiện cơ cấu lại thủ tục giải quyết hành chính, thúc đẩy thực hiện chữ ký số, tạo mã định danh cho từng đơn vị mới và triển khai hệ thống họp trực tuyến, nền tảng số dùng chung cho các địa phương để tối ưu quá trình làm việc" - TS Hòa nói

Bên cạnh các chuyên gia, nhà khoa học, Hội thảo còn có sự quan tâm, tham dự của các bạn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Trường

Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông