UEL và Quỹ Rosa-Luxemburg-Stiftung Đông Nam Á phối hợp tổ chức toạ đàm “Lý thuyết pháp luật nữ quyền”

Toạ đàm “Lý thuyết pháp luật nữ quyền” được tổ chức vào ngày 04/06/2021 tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG-HCM) bằng hình thức trực tuyến. Tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của nhiều học giả trong lĩnh vực luật học và giới, cũng như nhiều người quan tâm khác.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Tại tọa đàm, diễn giả từ các viện nghiên cứu, trường đại học trên toàn quốc sẽ cùng nhau thảo luận trong 02 phiên với nội dung: Pháp luật về bình đẳng giới và Tiếp cận lý thuyết pháp luật nữ quyền.

                    Toạ đàm “Lý thuyết pháp luật nữ quyền” được phát trực tiếp trên Fanpgage của UEL

     thu hút được sự quan tâm, theo dõi của sinh viên trong và ngoài Trường cung cùng nhiều ngừi quan tâm khác

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật cho biết toạ đàm “Lý thuyết pháp luật nữ quyền” nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án “Giới thiệu lý thuyết pháp luật nữ quyền” được phối hợp tổ chức bởi Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) và Tổ chức Rosa-Luxemburg-Stiftung Đông Nam Á. Tọa đàm là bước đầu tiên trong chuỗi các hoạt động của dự án nhằm mục đích khơi gợi, cỗ vũ các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu có tính chất liên ngành và chứa đựng nhiều quan điểm nhân sinh. Đồng thời, toạ đàm là bước chuẩn bị cho Hội thảo quốc tế bằng 02 hình thức trực tiếp và trực tuyến về “Nữ quyền, Giới và Pháp luật” dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm 2021 tại UEL.
Lý thuyết pháp luật nữ quyền không chỉ phản ánh các vấn đề bình đẳng giới hoặc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, lý thuyết này còn là một nhận thức luận về vai trò và quan điểm nữ giới trong xây dựng và áp dụng pháp luật. Ở đây, những nhà nghiên cứu luật học theo đuổi lý thuyết nữ quyền phải đào phá các lĩnh vực pháp luật dưới lăng kính nhận thức của người phụ nữ và đặt ra câu hỏi liệu quan điểm gia trưởng có đang ấn định các khái niệm và quy chuẩn vào pháp luật hay không. Đi vào cấu trúc nội tại của pháp luật, vấn đề cân bằng quyền lợi giữa nam giới và phụ nữ sẽ tiến thêm một bước mới, góp phần vào tiến trình công bằng xã hội.

Chia sẻ về dự án “Giới thiệu lý thuyết pháp luật nữ quyền”, ông Philip Degenhardt – Giám đốc khu vực Tổ chức Rosa-Luxemburg-Stiftung Đông Nam Á cho biết đây là dự án đầu tiên nghiên cứu về Lý thuyết pháp lý nữ quyền tại Việt Nam. Dự án nhằm tăng cường công bằng xã hội liên quan đến các vấn đề giới bằng cách đưa lý thuyết pháp lý nữ quyền vào ngành luật học Việt Nam. Về lâu dài, việc sử dụng lý thuyết pháp lý nữ quyền sẽ có tác động đáng kể đến các cơ sở giáo dục luật khác, những người hành nghề luật, các nhà lập pháp và các nhà hoạch định chính sách. Bên cạnh đó, Trưởng đại diện Tổ chức Rosa-Luxemburg-Stiftung Đông Nam Á cũng bày tỏ hy vọng rằng UEL sẽ là trường đại học đầu tiên đưa chủ đề này vào chương trình đào tạo của nhà trường ở bậc đại học và sau đại học.

Là một trường đại học định hướng nghiên cứu, UEL luôn mong muốn kiến tạo một môi trường học thuật cởi mở và đa dạng cho giảng viên, nghiên cứu viên và người học của Trường. Vì thế, sự hợp tác của Quỹ Rosa-Luxemburg-Stiftung và UEL hướng đến việc cùng chia sẻ mạng lưới các chuyên gia và các văn phòng đại diện của Tổ chức Rosa-Luxemburg-Stiftung tại các nước trên thế giới, thúc đẩy cơ hội triển khai các dự án về mảng luật, kinh tế và quản lý trong tương lai. Từ đó, dự án “Giới thiệu lý thuyết pháp luật nữ quyền” được khởi xướng từ niềm cảm hứng với di sản của nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa, nhà nữ quyền người Đức Rosa Luxemburg.

                  Phiên thảo luận 1 với nội dung Pháp luật về bình đẳng giới do PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung,

                                                                        Trưởng Khoa Luật điều phối

TS Trịnh Thục Hiền - Phó Viện trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh điều phối thảo luận phiên 2

với nội dung "Tiếp cận lý thuyết pháp luật nữ quyền"

  Buổi toạ đàm “Lý thuyết pháp luật nữ quyền” là diễn đàn để các học giả và những người tham gia quan tâm, trao đổi về cơ hội, thách thức trong việc hiểu và sử dụng lý thuyết này trong nghiên cứu và các kết quả nghiên cứu dưới lăng kính nữ quyền. Tại đây, các học giả giàu kinh nghiệm, uy tín và chuyên môn cao cùng chia sẻ, thảo luận với các học giả trẻ với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa các công bố khoa học có chất lượng cao và mang ý nghĩa thực tiễn.

                   

                        Thông tin về tọa đàm "Lý thuyết pháp luật nữ quyền" trên kênh HTV9 - Nguồn: HTV

  Thực hiện: CCA