Bàn về việc 'tạm dừng' thực hiện các thủ tục hành chính

(PLO)- “Tạm dừng” là hình thức mơ hồ về trách nhiệm pháp lý nhưng để lại hậu quả rất lớn.

 

Khi giảng dạy về “ngôn ngữ pháp lý”, tôi hay lấy các thuật ngữ “tạm dừng, chấm dứt, hủy bỏ, bãi bỏ, đình chỉ, tạm đình chỉ” thi hành một văn bản hay thủ tục hành chính để học viên trao đổi về hậu quả pháp lý khi áp dụng các biện pháp này.

 

Tạm dừng = cấm

 

Rõ ràng “tạm dừng” là hình thức mơ hồ về trách nhiệm pháp lý nhưng để lại hậu quả rất lớn. Chẳng hạn việc “tạm dừng tách thửa” làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của dân mà không hề có thời gian kết thúc thì như một quy định cấm. Vì vậy, “tạm dừng” trở thành biện pháp cơ quan hành chính được áp dụng nhiều nhất trong quản lý khi “cảm thấy có gì đó chưa ổn nếu tiếp tục áp dụng”. Cụ thể: 

 

Theo Bộ Tư pháp, tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Ảnh: HOÀNG GIANG

 

Ngày 20-1-2022, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Công văn 473 yêu cầu tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan tách thửa trên địa bàn tỉnh nhưng thực chất là biến tướng để đầu tư dự án bất động sản trái quy định. Văn bản này vừa ban hành gây xôn xao dư luận vì phạm vi tác động quá rộng.

 

Sau đó, ngày 5-7-2022, UBND tỉnh có Văn bản 4911 để điều chỉnh các bất cập của Công văn 473. Theo Văn bản 4911, đa phần cá nhân vẫn không thể tách thửa đất nông nghiệp của mình. Nếu muốn phải lập hợp tác xã, công ty và thửa đất muốn tách phải lập dự án, quy hoạch để trình phê duyệt. Chỉ có ngoại lệ trong trường hợp thừa kế hoặc tặng cho (giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột theo quy định), mỗi người được nhận một thửa đất sau khi tách thửa.

 

Một câu chuyện nữa, ngày 22-3-2022, chủ tịch UBND TP Đồng Xoài, Bình Phước đã ban hành Công văn hỏa tốc 529/UBND-KT về việc tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp không tiếp giáp đường giao thông…

 

Không được ban hành văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật

 

Công văn 1685 của Sở TN&MT TP Hà Nội là văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật. Do đó, việc ban hành văn bản này là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

 

(Trích Công văn 298/KTrVB-KGVX ngày 12-4-2023)

 

Tăng cường năng lực lập quy, kịp thời bịt kín kẽ hở pháp lý

 

Rõ ràng những trường hợp trên, việc tạm dừng có thể có mục đích ngăn ngừa tình trạng lợi dụng kẽ hở pháp luật của một số cá nhân, tổ chức để trục lợi. Tuy nhiên, khi dừng mà không có căn cứ pháp lý hoặc không biết thời điểm kết thúc tạm dừng chắc chắn sẽ có nhiều người bị ảnh hưởng bởi “quy định quét” này.

 

Nhìn rộng hơn, không chỉ là thủ tục đất đai về tách thửa mà nhiều lĩnh vực khác như việc lợi dụng các công văn nội bộ để lồng ghép thêm thủ tục hành chính, để ban hành quy phạm pháp luật mới là tình trạng khá phổ biến, gây khó khăn cho người dân.

 

Như một số phòng công chứng ở Bình Dương, để xác nhận công chứng việc mua bán, chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất thì phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã là đất đó không có tranh chấp, trong khi đây là thủ tục không có trong quy định hiện nay.

 

Vì vậy, về phía các cơ quan nhà nước, cần tăng cường năng lực lập quy để kịp thời bịt kín những kẽ hở pháp lý. Đây là biện pháp hữu hiệu hơn là việc thấy không quản lý được là ngừng giải quyết khiến quyền lợi của dân bị xâm phạm nghiêm trọng. Trong trường hợp, nếu vì cấp thiết có thể dừng nhưng chỉ là một thời gian ngắn và ngày kết thúc “tạm ngừng” buộc phải ghi rõ trong văn bản đó.

 

Về phía người dân, đối với những công văn như trên, có thể chọn giải pháp là làm đơn kiến nghị đến Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) để đề nghị kiểm tra. Hoặc người dân có quyền khiếu nại với chính quyền; nếu chính quyền không thu hồi thì có quyền khởi kiện hành chính bởi nó là công văn hành chính có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

 

Tách thửa là quyền của người sử dụng đất

 

Ngày 22-3-2022, Sở TN&MT TP Hà Nội ban hành Công văn 1685 có nội dung đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Văn bản này cũng gây khó khăn cho nhiều người dân trên địa bàn TP Hà Nội.

 

Rất may, hơn một năm sau, ngày 12-4-2023, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa ban hành Văn bản 298/KTrVB-KGVX gửi UBND TP Hà Nội đề nghị tự kiểm tra, xử lý Công văn 1685 của Sở TN&MT TP Hà Nội để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản.

 

Theo Bộ Tư pháp, tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Do đó, yêu cầu trên của Sở TN&MT TP Hà Nội không bảo đảm cơ sở pháp lý về nội dung và không thuộc thẩm quyền. Đồng thời có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

 

TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM)

 

Nguồn: Báo Pháp luật