Lương của thư ký tòa quá thấp so với tâm, trí, lực bỏ ra

(PLO)- Mức lương thư ký tòa quá thấp so với tâm, trí, lực mà họ bỏ ra nên việc dứt áo ra đi đang là một hiện thực khó né tránh.

 

Năm 2022, hàng chục ngàn công chức, viên chức đã rời bỏ khu vực công để ra làm việc cho khối tư nhân. Riêng các tòa tại TP.HCM trong năm 2022 có 26 trường hợp công chức xin nghỉ việc, trong đó có rất nhiều người là thư ký tòa án.

 

Điều này dẫn đến tình trạng thiếu thư ký trầm trọng tại TP.HCM. Từ khi thụ lý vụ án (vụ việc), trải qua giai đoạn chuẩn bị xét xử và giai đoạn xét xử thì vai trò của thư ký tòa án luôn hiện hữu. Lượng việc đổ dồn lên vai khi một thư ký giúp việc cho 3-4 thẩm phán. Tình trạng này không riêng gì TP.HCM.

 

Lương của thư ký tòa quá thấp so với tâm, trí, lực bỏ ra ảnh 1

TS Cao Vũ Minh

 

Trong nền kinh tế thị trường, lương chính là số tiền được chi trả để mua sức lao động. Nhà nước mua hay tư nhân mua thì cũng đều phải tuân theo quy luật cung cầu. Điều đó có nghĩa nhu cầu của thị trường và quan hệ cung cầu về lao động chính là những yếu tố quyết định giá cả của sức lao động. Những loại hình lao động khan hiếm sẽ được mua với giá cao, những loại hình dư thừa sẽ được mua với giá thấp, thậm chí là không có ai mua. Đây là quy luật của thị trường lao động.

 

Nghịch lý phát sinh là nghề thư ký tòa án lại được trả một mức lương quá thấp so với tâm, trí, lực mà người đảm nhận công việc phải bỏ ra. Do đó, việc dứt áo ra đi đang là một hiện thực khó né tránh.

 

Dẫu biết rằng làm cho nhà nước hay làm cho tư nhân thì cũng đều là đóng góp xây dựng đất nước. Tuy nhiên, tình trạng công chức ngành tòa án nói chung và thư ký tòa án nói riêng ồ ạt nghỉ việc đã làm chậm tiến độ giải quyết công việc, từ đó gia tăng hệ lụy khó lường.

 

Từ năm 2015, với Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 về tinh giản biên chế trong cả nước thì chỉ tiêu biên chế của ngành tòa án không được tăng thêm. Trong bối cảnh đó, cộng thêm việc lượng án cần được tòa giải quyết ngày càng tăng thì các thư ký tòa án phải đảm nhận nhiều công việc hơn là điều dễ thấy. Vì vậy, tăng cường biên chế cho các tòa án nhân dân là việc cần phải thực hiện ngay nhằm bổ sung nguồn nhân lực mới đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc.

 

Cạnh đó, vấn đề tăng lương cho các thư ký tòa án là việc cần cân nhắc. Trong bối cảnh hệ số lương đã có những sự chuyển biến tích cực từ 1.490.000 đồng lên 1,8 triệu đồng trong năm 2023 thì vấn đề tăng lương về cơ bản đã được giải quyết.

 

Thế nhưng mức lương này vẫn chưa thể bảo đảm cho đội ngũ thư ký tòa án an tâm làm việc vì lương. Do đó, các cơ quan nhà nước có thể nghiên cứu tăng phụ cấp trách nhiệm cho thư ký tòa án các cấp. Có lẽ đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm chất lượng của chế độ công vụ bởi chất lượng luôn phải tương xứng với giá cả.

Nội dung bài viết/trả lời thể hiện quan điểm của tác giả và không phản ánh quan điểm của Trường Đại học Kinh tế - Luật

 

TS CAO VŨ MINH

 

Nguồn: Báo Pháp luật