Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững thị trường bất động sản trong bối cảnh mới”

Nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh, bền vững thị trường bất động sản; tăng cường sự quản lý, điều tiết của Nhà nước từ trung ương đến địa phương, Ban Kinh tế Trung ương và Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững thị trường bất động sản trong bối cảnh mới” vào ngày 11/03/2022 tại khách sạn Rex, 141 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM.

 

Về phía Ban Kinh tế Trung ương, Bộ, Ngành, Hội thảo có sự tham dự của Đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương, Đồng chí Huỳnh Vũ Quốc Phương, Phó vụ trưởng, Vụ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ; Đồngchí Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng, Vụ chính sách và pháp chế, Bộ Tài nguyên  và Môi trường; Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng, Bộ Xây dựng cùng sự tham dự của Bộ Kế hoạch – Đầu tư.

 

Về phía ĐHQG-HCM, Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM; PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, các lãnh đạo, đại diện Văn phòng, các ban chức năng và các trường đại học thành viên của ĐHQG-HCM.

 

Đồng thời, Hội thảo cũng có sự tham dự của Đại diện lãnh đạo các Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên  Môi trường tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau; Hiệp hội và các doanh nghiệp cùng đơn vị đồng hành là Tập đoàn Hưng Thịnh. 

 

Kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới năm 1986, thị trường BĐS Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là tại các thành phố lớn, đồng thời thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Sự phát triển của thị trường BĐS có một vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua việc thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra nhu cầu về lao động và thúc đẩy các ngành khác phát triển như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và nhà ở kết nối với thị trường đất đai và các dịch vụ môi giới, pháp lý và định giá. 

 

Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 đã có nhận định:“Hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai từng bước được tăng cường; chính sách, pháp luật về đất đai ngày càng được hoàn thiện; các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được Nhà nước bảo đảm; thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất đã được hình thành và phát triển nhanh”. Kết quả đó khẳng định các quan điểm chỉ đạo, định hướng chính sách, pháp luật về đất đai được xác định trong Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX là đúng đắn, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

 

Diễn biến trên thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua và gần đây nhất là các vấn đề về giải phóng mặt bằng, trường hợp đấu giá đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm - TP.HCM hay việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản,...đã cho thấy công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn những hạn chế nhất định về: quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, thuế, tín dụng, thu tiền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai cũng như các quy định pháp lý về kinh doanh bất động sản. Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững. Nhìn chung, nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững. 

 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Vũ Hải Quân - UV BCH TW, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết Ban tổ chức hội thảo đã chọn lọc được 25 tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các cơ quan trung ương và địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp để biên tập đưa vào kỷ yếu Hội thảo. Đồng thời, PGS.TS Vũ Hải Quân đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận ở 4 nội dung chính: (1) Các chủ trương của Đảng và việc thể chế hóa, thực thi luật pháp và cơ chế chính sách tài chính của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bất động sản; (2)Bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện Nghị Quyết 19 và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, khả năng vận dụng tại Việt Nam;(3) Đánh giá chung hiệu quả và hạn chế, yếu kém về chính sách tài chính, tín dụng, quan hệ thị trường thực hiện trong đất đai với kinh tế - xã hội của đất nước; (4)Đề xuất, định hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian tới; từ đó đưa ra định hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách đất đai đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

 

Đ/c Vũ Hải Quân - UV BCH TW, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu khai mạc 

 

  Các tham luận đã chỉ ra những hạn chế của các văn bản pháp luật bao gồm Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư,...dẫn đến hạn chế nguồn thu tài chính từ đất đai trên các khía cạnh định giá, quy hoạch treo, phân cấp quản lý, ưu đãi đầu tư. 

 

Đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất và qua tình huống thực tiễn tại Thủ Thiêm, các nghiên cứu đã chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại liên quan đến quy trình đấu giá hiện tại, khả năng “thổi giá đất” hoặc “ngâm dự án” và những “nghi ngờ” hay “câu hỏi” về nguồn tiền, khả năng rửa tiền qua các dự án BĐS. 

 

Đối với hoạt động của các doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là hoạt động tài trợ thông qua việc phát hành trái phiếu. Các nghiên cứu đã so sánh thị trường trái phiếu bất động sản Trung Quốc và Việt Nam để đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm phát triển thị trường trái phiếu bất động sản Việt Nam an toàn và bền vững. 

 

GS.TS Nguyễn Thị Cành – Trường Đại học Kinh tế - Luật trình bày tham luận “Nguồn lực tài chính từ đất đai: những vấn đề liên quan đến định giá, quy hoạch và đầu tư” 

 

Ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh trình bày tham luận với nội dung:“Chính sách pháp luật phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh”

 

  Về phía các doanh nghiệp, Tập đoàn Hưng Thịnh đã có tham luận đưa ra một số nhóm giải pháp nhằm phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh như: (i) vấn đề về giá đất – tính tiền sử dụng đất; (ii) nhóm giải pháp về nhà ở xã hội; (iii) chính sách phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng; (iv) tháo gỡ ách tắc đối với thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại “đất ở và các loại đất khác”; và (v) cải cách thủ tục hành chính.

 

Tham luận “Huy động nguồn lực thông qua đấu giá quyền sử dụng đất: hiệu lực và hiệu quả” qua phần trình bày của TS Trương Minh Huy Vũ – Khu công nghệ phần mềm, ĐHQG-HCM

 

PGS.TS Trương Quang Thông – Trường Đại học Kinh tế TP. HCM trình bày tham luận với nội dung: “Trái phiếu bất động sản: Nghiên cứu trường hợp Trung Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam”

 

  Ngoài các báo cáo tham luận được trình bày, hội thảo đã tổ chức phiên đối thoại với sự tham dự của đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, đại diện các Bộ/Ngành và địa phương cùng chuyên gia để thảo luận các chủ đề mang tính thực tiễn cao, các vướng mắc cũng như giải pháp để phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới. 

 

Phát biểu tổng kết tại Hội thảo, Đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho  biết Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững thị trường bất động sản trong bối cản mới” được tổ chức mang tính cấp thiết, kịp thời và có ý nghĩa với 25 bài tham luận trong Kỷ yếu hội thảo cùng các ý kiến được trao đổi trực tiếp tại hội thảo, trong đó có ý kiến từ các doanh nghiệp, Hiệp hội, cơ quan Quản lý Nhà nước,… Ban tổ chức sẽ tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu để để hoàn thành báo cáo khuyến nghị chính sách gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để đóng góp cho việc xây dựng, ban hành, triển khai các chính sách phát triển bền vững thị trường bất động sản ở Việt Nam. 

 

Đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tổng kết hội thảo

 

  Hội thảo nhận được sự tham gia đồng hành từ Tập đoàn Hưng Thịnh. Trong suốt hành trình 20 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Hưng Thịnh đã không ngừng lớn mạnh và kiên định với mục tiêu trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam xoay quanh cốt lõi là bất động sản.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

  Thực hiện: CCA

Thông tin trên báo chí:

Báo hình:

 1.Đài truyền hình Việt Nam  xem TẠI ĐÂY
 2 Đài truyền hình TP.HCM   xem TẠI ĐÂY
 3. Báo Pháp luật TP.HCM  xem TẠI ĐÂY
 4. Truyền hình Pháp luật   xem TẠI ĐÂY

Bài viết báo điện tử

 1. Bản tin ĐHQG-HCM  xem TẠI ĐÂY
 2. Báo Thanh Niên  xem TẠI ĐÂY
3. Website Thành ủy

xem TẠI ĐÂY

 4. Báo Tuổi Trẻ

 xem TẠI ĐÂY

 5. Báo Dân trí  xem TẠI ĐÂY
 6. Báo Sài Gòn đầu tư tài chính   xem TẠI ĐÂY
 7. Báo Phụ nữ TP.HCM  xem TẠI ĐÂY
 8. Báo Pháp luật TP.HCM  xem TẠI ĐÂY
 9. Báo Công luận   xem TẠI ĐÂY
 10. Báo Hải quan  xem TẠI ĐÂY
 11. Tạp chí Đầu tư Tài chính   xem TẠI ĐÂY
 12. Báo điện tử Đảng cộng sản  xem TẠI ĐÂY
 13. Tạp chí Kinh tế Việt Nam  xem TẠI ĐÂY
 14. Báo điện tử Dân trí   xem TẠI ĐÂY
 15. Báo điện tử VnExpress  xem TẠI ĐÂY
 16. Báo Sài Gòn giải phóng   xem TẠI ĐÂY
 17. Báo Người lao động   xem TẠI ĐÂY
 18. Báo Vietnammoi  xem TẠI ĐÂY
 19. Báo điện tử VTV News  xem TẠI ĐÂY
 20. Trang thông tin Cafebiz  xem TẠI ĐÂY
 21. Báo Pháp luật TP.HCM (ngày 12/3)  xem TẠI ĐÂY
 22. Báo Pháp luật Việt Nam  xem TẠI ĐÂY